Lưu ý trong chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP

Lưu ý trong chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP
Nên xác định rõ đối tượng nuôi chủ chốt, khoanh vùng và tách riêng biệt từng đối tượng nuôi… để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn chăn nuôi cũng như các tiêu chuẩn khác nhằm có được những sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn.

Chuẩn bị con giống

Mua con giống tại các cơ sở sản xuất có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy kiểm dịch chất lượng con giống. Trong quá trình vận chuyển, cần bố trí phương tiện và thời gian vận chuyển phù hợp, phương tiện vận chuyển được khử trùng kỹ trước và sau khi vận chuyển đàn giống. Thực hiện nuôi cách ly theo quy định để theo dõi tình trạng sức khỏe vật nuôi; ghi chép đầy đủ các thông tin về đàn vật nuôi vào sổ theo dõi như: Ngày/tháng/năm nhập con giống, địa chỉ nơi bán giống, đã tiêm phòng những loại vaccine nào… một cách đầy đủ khoa học và chính xác để truy xuất được nguồn gốc con giống.

Thức ăn và nguồn nước

Cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn và nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi. Thức ăn và nguyên liệu đảm bảo có chất lượng tốt, có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng các hãng thức ăn có uy tín trên thị trường. Khi nhập thức ăn và nguyên liệu cần bảo quản tại kho chứa riêng, không để vào khu vực chuồng nuôi. Nguồn nước phục vụ chăn nuôi đảm bảo an toàn, nên định kỳ kiểm tra nguồn nước và bổ sung các men vi sinh (probiotic) trong thức ăn, nước uống để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho vật nuôi.

Phương thức chăn nuôi

Nên xác định rõ đối tượng nuôi chủ chốt, khoanh vùng và tách riêng biệt từng đối tượng nuôi… để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn chăn nuôi cũng như các tiêu chuẩn khác nhằm có được những sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn.

Quy hoạch

Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nhằm quy hoạch được vùng và nghề chăn nuôi tập trung, kéo dài thời gian cho thuê đất để người nuôi có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuận tiện trong quá trình nuôi. Đồng thời, giúp người dân phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung, hàng hóa, chăn thả có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, VietGAHP. Từ đó giúp giảm ô nhiễm môi trường, cho ra các sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn, thỏa mãn các tiêu chí cơ bản như: đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội, có trách nhiệm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Công tác vệ sinh thú y

Thực hiện tốt các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, nên định kỳ thu gom, xử lý chất thải và tiêu độc khử trùng chuồng trại trước, trong và sau khi nuôi sẽ hạn chế được dịch bệnh xẩy ra. Đồng thời, trong quá trình chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cũng như quy trình sử dụng vaccine để phòng bệnh cho từng đối tượng vật nuôi, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa để có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi. Nên xây dựng và hình thành các tổ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, hội, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp… ở các vùng miền nhằm giúp người dân chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng là cơ sở để người nông dân thực sự an tâm sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa.