Mở rộng các chuỗi liên kết chăn nuôi có doanh nghiệp tham gia
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của địa phương giảm nhẹ so những năm trước đây, tổng đàn gia súc đạt trên 500.000 con, giảm 3,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, gia súc có sừng đạt 352.600 con, giảm 6% so với cùng kỳ, gồm đàn trâu đạt gần 3.900 con, đàn bò trên 120.300 con bò (tỉ lệ bò lai ước đạt 50%), đàn dê 127.800 con, đàn cừu hiện có 100.600 con, đàn heo đạt trên 147.800 con và đàn gia cầm đạt hơn 2,25 triệu con.
Tiêm phòng các dịch bệnh cho đàn cừu.
Tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 19.660 tấn; trong đó, thịt gia súc đạt hơn 15.800 tấn, gồm: Gần 3.000 tấn thịt trâu, bò, gần 10.900 tấn thịt heo hơi, gần 2.000 tấn thịt dê, cừu, hơn 3.800 tấn thịt gia cầm và gần 39.000 ngàn quả trứng gia cầm.
Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Chi cục đã tăng cường các giải pháp phòng, chống.
Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm như: Viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm gia cầm, heo tai xanh, dịch tả heo Châu Phi, bệnh dại trên động vật… cơ bản được kiểm soát tốt, không xảy ra trên đàn vật nuôi.
Tuy nhiên, gia súc, gia cầm ở Ninh Thuận vẫn còn mắc các bệnh truyền nhiễm thông thường như Ecoli trên heo, Newcatle trên gà ở một số địa phương, số gia súc, gia cầm bị bệnh đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
Nhờ làm tốt công tác tiêm phòng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc.
“Thời gian qua, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Ninh Thuận cơ bản được kiểm soát ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này vẫn chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, khuyến cáo hộ chăn nuôi trên địa bàn chủ động thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ chuồng trại, đảm bảo môi trường chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh”, ông Phan Đình Thịnh cho biết.
Song song đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận tổ chức tập huấn triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1/2023 với hơn 100 lượt người tham dự, gồm các đại diện Phòng NN-PTNT và Phòng Kinh tế các huyện, thành phố.
Ban Nông nghiệp các xã và thú y tự do cùng một số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập huấn phổ biến các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên động vật và phòng chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh...
“Ngoài ra, chúng tôi còn phân bổ 1.400 tờ rơi hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả loài nhai lại, 80 quyển tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống bệnh lở mồm long móng, 50 quyển tài liệu phòng, chống bệnh dại, 70 quyển tài liệu phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, 90 quyển tài liệu phòng, chống bệnh cúm gia cầm, 40 quyển tài liệu phòng, chống bệnh viêm da nổi cục để phổ biến rộng rãi các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đến người chăn nuôi trên địa bàn”, ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho hay.
Tỉnh Ninh Thuận đang mở rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi để phát triển bền vững.
Đẩy mạnh liên kết để phát triển chăn nuôi bền vững
Theo ông Phan Đình Thịnh, trong thời gian qua, Ninh Thuận tiếp tục duy trì 5 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại các địa phương. Về liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi bò, hiện Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hồng Loan đang nâng cấp và mở rộng khu giết mổ.
Chuỗi liên kết chăn nuôi dê, cừu thịt vỗ béo được duy trì ổn định với hình thức chủ cơ sở kinh doanh chế biến, giết mổ và thương lái sẽ cung cấp dê, cừu giống ban đầu cho hộ chăn nuôi, đến kỳ xuất chuồng sẽ thu mua lại. Với mô hình này, chủ cơ sở kinh doanh chế biến, giết mổ luôn có nguồn dê, cừu cung cấp thịt ra thị trường, còn người chăn nuôi có việc làm và thu nhập ổn định.
Đến nay, Ninh Thuận vẫn duy trì ổn định mô hình liên kết chăn nuôi heo giữa Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và Công ty TNHH CJ Vina Agri với hộ chăn nuôi. Hiện Ninh Thuận có 50 trại chăn nuôi heo với quy mô tổng đàn trên 126.300 con. Trong đó, có 44 trại liên kết gia công nuôi heo thịt với tổng đàn gần 64.000 con, tỷ lệ lai heo ngoại đạt trên 90%.
Về liên kết chăn nuôi gà, hiện Ninh Thuận có 9 trang trại liên kết với Công ty C.P. Việt Nam và Công ty Emivest với số lượng khoảng 219.880 con. Liên kết chăn nuôi vịt thịt mô hình công nghệ cao, Ninh Thuận hiện có 1 cơ sở liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam nuôi vịt siêu thịt với quy mô 32.000 con/lứa tại xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn).
Ngoài ra, Ninh Thuận vẫn duy trì mô hình liên kết chăn nuôi vịt chạy đồng với phương thức hộ kinh doanh đầu tư con giống, thức ăn cho các hộ nuôi, sau đó thu mua lại theo giá thị trường, thu hồi lại chi phí đầu tư. Heo đen, gà bản địa nuôi trên địa bàn Ninh Thuận cũng được HTX Suối Đá ở xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc) và HTX Phước Đại (huyện Bác Ái) thu mua.
Hiện nay, chuỗi liên kết chăn nuôi heo giữa Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và Công ty TNHH CJ Vina Agri hầu hết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào chăn nuôi như: Thiết kế trại lạnh, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động đến các ô chuồng nuôi; một số trang trại sử dụng máy tách ép phân xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế quá tải cho các hầm biogar, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận: “Các cơ sở chăn nuôi heo, gà liên kết trên địa bàn Ninh Thuận hầu hết đầu tư hệ thống phun tiêu độc sát trùng, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát nghiêm ngặt theo quy định, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh có thể xảy ra”.