Một số xu hướng trong chăn nuôi heo trên thế giới

Một số xu hướng trong chăn nuôi heo trên thế giới
Ngành chăn nuôi trên toàn thế giới đã và đang có nhiều biến động, được dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Riêng đối với chăn nuôi heo đang có những xu thế mới.

Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 14/8 tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi đã trình bày một số xu hướng điển hình trong chăn nuôi heo trên thế giới hiện nay có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Việt Nam. 

Tăng cường an toàn sinh học 

Trước diễn biến phức tạp của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch bệnh tiêu chảy cấp tính trên heo con, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo hay còn gọi là bệnh heo tai xanh hoặc bệnh dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo trên thế giới, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là hết sức cấp thiết cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng.

Chăn nuôi an toàn sinh học đã được tuyên truyền để thay đổi nhận thức và thực hành không chỉ áp dụng cho các trang trại chăn nuôi heo mà còn áp dụng ở tất cả các khâu của chuỗi như vật tư đầu vào, thức ăn, giống, giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối. Đánh giá được nguy cơ rủi ro đối với dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi, các tổ chức quốc tế đã ban hành các hướng dẫn kỹ thuật an toàn trong chăn nuôi heo. Có thể kể đến tiêu chuẩn “An toàn sinh học cho trại heo, cơ sở giết mổ heo và khi tái đàn heo” do FAO ban hành năm 2022; “Giải pháp phòng ngừa và an toàn sinh học cho chăn nuôi heo ở quy mô nhỏ” và “Chuỗi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh” do Tổ chức Thú y Thế giới ban hành năm 2020; Bộ Nông nghiệp Philippines ban hành “Tiêu chuẩn kỹ thuật về hướng dẫn phân loại trại heo an toàn sinh học” năm 2022; “Tiêu chuẩn quốc gia về trại heo an toàn sinh học” do Úc ban hành năm 2021…

Áp dụng công nghệ chính xác

Một số công nghệ mới, hiện đại đã và đang được áp dụng để tối ưu hóa khả năng phát huy tiềm năng di truyền như tự điều chỉnh tiểu khí hậu chuồng nuôi (thông gió, nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ khí…), công nghệ cho ăn chính xác, hay sử dụng AI để phát hiện bất thường phục vụ chẩn đoán hạn chế tiếp xúc và tác động của con người từ đó giảm nguy cơ và tối ưu hóa hệ thống.

Sử dụng nhà nhiều tầng trong chăn nuôi

Giải pháp chăn nuôi heo trong nhà cao tầng bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 và chủ yếu được áp dụng ở Trung Quốc. Tính đến nay, tại Trung Quốc đã có khoảng 1.830 dự án với 4.282 tòa nhà cao tầng chăn nuôi heo. Điển hình là các Tổ hợp chăn nuôi heo của công ty Yangxiang; Khu phức hợp chăn nuôi heo của Hubei Zhongxin Kaiwei Modern Animal Husbandry… Đáng chú ý, vào cuối tháng 9/2023, những con heo nái đầu tiên được đưa tới tòa nhà cao 26 tầng khổng lồ tại miền Trung Trung Quốc. Đây là nơi chúng sống từ lúc còn bé đến khi trưởng thành. Mỗi ngày, hơn 453.000kg thức ăn được đưa tới các tầng, còn phân của heo cũng được cân đo, tổng hợp và tái sử dụng.

/Sử dụng nhà nhiều tầng trong chăn nuôi

Đàn heo được nuôi tại tòa nhà 29 tầng của Trung Quốc.

Áp dụng chăn nuôi hữu cơ

Xu hướng này chủ yếu phục vụ cho phân khúc thị trường dành cho người có điều kiện kinh tế và có nhận thức về sản phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường. 

Giảm phát thải, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn

Pháp pháp này vừa giải quyết thách thức phát thải khí nhà kính vừa là cơ hội tăng thêm giá trị gia tăng cho chăn nuôi, khi chất thải chăn nuôi là nguồn nguyên liệu tái tạo sau xử lý bằng công nghệ, kỹ thuật cho các hoạt động sản xuất khác. 

Không sử dụng kháng sinh và không có kẽm oxit (ZnO)

Kẽm oxit hàm lượng cao là vũ khí hữu hiệu chống lại các vi khuẩn đường tiêu hóa thường gây nên bệnh tiêu chảy trong suốt giai đoạn cai sữa của heo con. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 6/2022, EU đã thực thi lệnh cấm sử dụng ZnO trong khẩu phần cho heo cai sữa. Quyết định này đã khởi động một cuộc chạy đua quyết liệt nhằm tìm ra giải pháp thay thế. Điều này cho thấy, nhận thức của toàn cầu ngày càng tăng về việc thận trọng hơn trong việc sử dụng kháng sinh. 

Đối xử nhân đạo với vật nuôi

Đối với nông dân các nước, đối xử nhân đạo với vật nuôi có nghĩa là cung cấp giảm đau trong các thủ tục chống đối không thể tránh khỏi; Đảm bảo tất cả vật nuôi được cung cấp dinh dưỡng phù hợp, đặc biệt là khi đang mang thai; Giữ cho vật nuôi bình tĩnh với cách xử lý ít căng thẳng; Đối xử tôn trọng vật nuôi khi giết mổ theo cách chúng không phải chịu đau đớn hoặc đau khổ không cần thiết; Theo đuổi các biện pháp thay thế không xâm lấn cho các thủ tục phẫu thuật. Trong chăn nuôi heo, đối xử nhân đạo sẽ được thể hiện từ chuồng nuôi (diện tích và kiến trúc), hiểu biết của người chăn nuôi và áp lực từ và người tiêu dùng. 

Tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác thay thế nguồn protein thức ăn

Một số quốc gia bị phụ thuộc quá lớn vào nguồn đậu nành Nam Mỹ đã và đang tìm giải pháp thay thế bằng nguồn nguyên liệu khác với giá thành phù hợp hơn từ sinh khối vi sinh vật, từ tảo biển, từ côn trùng.

Chuyển đổi số và truyền thông xã hội

Đang ngày càng được sử dụng trong nhiều trang trại thông minh để theo dõi, quản lý đàn vật nuôi, truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn. Công nghệ thông tin còn góp phần cập nhật số liệu thống kê, phân tích và dự báo thị trường. Truyền thông, công khai minh bạch thông tin chính là cam kết quan trọng của người sản xuất đối với cộng đồng.