Mưa, rét kéo dài, cây trồng phát triển chậm

Mưa, rét kéo dài, cây trồng phát triển chậm
Trời mưa, rét và âm u kéo dài khiến lúa đông xuân phát triển chậm. Nguy cơ cao bùng phát các loại sâu bệnh.

Tại Quảng Trị, thời gian qua do mưa, rét kéo dài, các loại cây trồng sinh trưởng phát triển chậm. Hiện cây lúa đang ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh, các địa phương đang khẩn trương ra đồng bón phân, tỉa dặm cho lúa và đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại hoa màu theo khung thời vụ.

Để tổ chức sản xuất vụ đông xuân thắng lợi, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã có công văn chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong ngành tăng cường các giải pháp chăm sóc cây trồng.

Kiểm tra lúa đông xuân

Thời tiết đầu vụ đông xuân bất thuận khiến lúa phát triển chậm.

- Trên cây lúa: Tranh thủ thời tiết thuận lợi (nhiệt độ trên 18 độ C) đẩy nhanh tiến độ dặm tỉa, bón phân thúc đẻ nhánh. Chú ý bón phân cân đối, tránh thừa đạm dễ làm phát sinh bệnh đạo ôn và nhiều loại sâu bệnh khác. Sử dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón lá như Atolic, KaliHumat, Tora… để phun trên lá ở các giai đoạn thiết yếu của cây lúa (đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông) nhằm giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận, đồng thời rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Ở các vùng có điều kiện, tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để điều tiết mực nước trên ruộng hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung và sinh trưởng phát triển thuận lợi (giai đoạn lúa đẻ nhánh mực nước tốt nhất từ 1 - 2cm, giai đoạn đứng cái - làm đòng rút khô nước 1 - 2 ngày, khi trời rét cho nước dâng ngập 2/3 cây lúa…). Thường xuyên thăm đồng để kịp thời chăm sóc, phát hiện và có giải pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại, đặc biệt lưu ý bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại sau khi dặm tỉa, bón thúc đạm; rầy các loại vào giai đoạn làm đòng, trổ bông; nhện gié giai đoạn kết thúc đẻ nhánh và sau trổ.

Kiểm tra lúa đông xuân

Điều kiện thời tiết đang có nguy cơ bùng phát nhiều sâu, bệnh hại trên lúa đông xuân.

- Các loại cây trồng cạn (ngô, lạc, sắn, rau các loại...): Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung gieo trồng các diện tích còn lại theo khung thời vụ. Tiến hành làm cỏ, chăm sóc, bón phân, tra dặm lại các diện tích bị khuyết mật độ. Tăng cường kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh héo rũ, lở cổ rễ, sâu xám gây hại trên cây lạc; sâu keo mùa thu trên cây ngô; bệnh khảm lá trên cây sắn…

- Cây ăn quả, công nghiệp dài ngày (hồ tiêu, cà phê, cao su): Khi thời tiết thuận lợi, tiến hành chăm sóc, bón phân kịp thời, cân đối để giúp cây phục hồi nhanh sau mưa rét. Tăng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm phân bón qua lá... để kích thích cây ra lộc, ra hoa, tăng khả năng đậu quả. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại.

Ngoài ra bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để kịp thời để có các giải pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất thuận xảy ra...