Na 'khổng lồ', chuối tím đỏ: Hàng phục vụ Tết Nguyên đán

Na 'khổng lồ', chuối tím đỏ: Hàng phục vụ Tết Nguyên đán

Mỗi kg na khổng lồ được trồng ở Việt Nam có giá chỉ bằng 1/4 hàng ngoại, còn chuối tím đỏ giảm 1/5 so với trước, đang được các nhà vườn ráo riết tìm đầu ra cho chúng.

Chia sẻ với VnExpress, bà Đinh Thị Thuý Nga, Giám đốc Hợp tác xã Xuân Định (Đồng Nai) cho biết, 10 ha na "khổng lồ" tại hợp tác xã của bà đã cho thu hoạch đều hơn một năm nay. Trọng lượng mỗi trái nặng tới cả kg nhưng giá bán chỉ bằng 1/4 so với hàng nhập, tức khoảng 80.000 đồng một kg.

Theo bà, trước đây phải nhập na từ Đài Loan với giá cao ngất ngưởng từ 300.000-500.000 đồng một kg, nay giống na này được trồng thành công ở Việt Nam nhưng giá quá thấp.

"Mỗi tháng, hợp tác xã có thể bán ra thị trường 15-20 tấn na. Hiện chúng tôi rất cần có thêm đại lý và các chuỗi cửa hàng phân phối mặt hàng này cho mùa Tết Nguyên Đán năm nay", bà Nga nói.

Hiện hợp tác xã của bà Nga đã mang sản phẩm tới tham dự triểm lãm về kết nối cung cầu đang diễn ra tại TP HCM với hy vọng đưa những trái na "khổng lồ" này dễ dàng đến tay người tiêu dùng cũng như kết nối được với các đơn vị phân phối.

Tương tự, một hợp tác xã trái cây ở miền Tây cũng đang tìm nơi tiêu thụ giống chuối tím đỏ. Loại chuối này được cho là có chất lượng khá cao, mùi vị cũng hấp dẫn hơn so với các giống khác. Trước đây, chuối tím đỏ khan hiếm, giá lên tới 200.000 đồng một kg, nay xuống còn 40.000 đồng. "Chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều đại lý, chuỗi cửa hàng sạch cùng đồng hành để tìm đầu ra cho sản phẩm mới, lạ này", đại diện hợp tác xã trên bộc bạch.

Những đặc sản trên được cho biết canh tác ở những vùng đất sạch, an toàn và thực hiện nghiêm ngặt đóng gói theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap. Bên cạnh na "khổng lồ", chuối tím đỏ, nhiều đặc sản của 45 tỉnh thành phía Nam cũng đã được bày bán và tìm đầu ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP HCM trong hai ngày qua.

Trái na khổng lồ

Na khổng lồ của hợp tác xã Xuân Định, nhiều trái trọng lượng gần 1kg.

Phó chủ tịch TP HCM - Phan Thị Thắng cho biết, đây là thời điểm cấp thiết để hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá ngay sau khi dịch Covid-19 ở thành phố được kiểm soát một phần. Do đó, bà đề nghị, Sở Công Thương thành phố cùng các ban ngành liên quan tại các tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, năm nay Sở tổ chức kết nối cung cầu bằng cả hai hình thức: trực tiếp tại hội chợ triển lãm và trực tuyến (cho doanh nghiệp không đến triểm lãm được trưng bày sản phẩm gian hàng ảo tại cổng website: ketnoicungcau.vn). Mặc dù mới mở kết nối, trong ngày đầu đã có 559 giao dịch thành công.

Chương trình kết nối cung cầu năm 2021 do Sở Công Thương TP HCM tổ chức kéo dài 4 ngày (từ ngày 2 đến 5/12) với sự tham gia của 600 doanh nghiệp.

Chương trình nằm trong chuỗi kế hoạch chuẩn bị hàng Tết Nguyên đán sắp tới của thành phố. Trước đó, để hỗ trợ doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng sau đại dịch, TP HCM cũng đã tổ chức tháng khuyến mãi giảm giá lên tới 100%. Theo thống kê của Sở Công Thương, tháng khuyến mãi đã giúp hoạt động buôn bán của thành phố thu về 55.000 tỷ đồng, tăng 27,9% so với tháng 10 (43.000 tỷ đồng).