Nan giải chữa bệnh cho cây hồ tiêu Quảng Trị

Nan giải chữa bệnh cho cây hồ tiêu Quảng Trị

Hồ tiêu là một trong sáu cây trồng được tỉnh Quảng Trị xác định nằm trong bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trong chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cây hồ tiêu đã giúp nhiều nông dân vươn lên khá giả. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh chết nhanhkhiến nhà vườn lo lắng.

Hồ tiêu chết liên tục

Nhà anh Lâm Quang Hoàng ở làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh có vườn hồ tiêu gần 100 cây đã cho thu hoạch. Đợt mưa dầm lớn kéo dài nhiều tháng cuối năm 2017 đã gây úng làm hồ tiêu chết sạch.

Ông Hồ Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, toàn xã có gần 100ha hồ tiêu, với hơn 80ha đang ở thời kỳ kinh doanh, hàng năm mang lại thu nhập cho người dân từ 25- 30 tỷ đồng. Tuy nhiên thời gian vừa qua giá hồ tiêu đã xuống thấp chỉ còn 60 ngàn đồng/kg. Biến đổi khí hậu gây mưa nhiều làm hơn 80% vườn tiêu bị vàng lá, héo úa, rụng lá, rụng quả và chết rất nhanh. Người trồng tiêu điêu đứng vì mất đi nguồn thu nhập quá lớn.

Cây bị bệnh đều có dấu hiệu là gốc thối đen, lá chuyển sang màu vàng trước khi rụng, dây thân thâm đen. Cây chết rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ từ 1- 2 tuần.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Trị cho biết, hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh, được trồng chủ yếu tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa với diện tích đạt 2.500ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt 2.230 tấn.

Tuy nhiên trong vài năm gần đây, nhiều diện tích hồ tiêu bị thiệt hại nặng nề do thiên tai và dịch bệnh. Đầu năm 2016, hơn 1.000ha hồ tiêu bị rụng lá do rét đậm, rét hại làm giảm năng suất hơn 30%. Cuối năm 2016, Quảng Trị có nhiều đợt mưa vừa, mưa to gây ngập úng đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh chết nhanh bùng phát và gây hại nhiều diện tích.

Năm 2017, tình hình khí hậu thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan đã làm cho 300ha hồ tiêu tiếp tục chết nhanh do ngập úng, gây hiện tượng rụng lá trên diện tích khoảng 100ha, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh chết nhanh phát sinh gây hại trên diện rộng, nặng nhất các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh.

Các bệnh trên cây tiêu là rệp sáp, tuyến trùng, thán thư, đốm lá, chết chậm, nhưng nhiều nhất là bệnh chết nhanh. Cao điểm trên địa bàn toàn tỉnh có tháng đến 373ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, tỷ lệ bệnh có nơi cao từ 30- 50% diện tích vườn.

Theo thống kê có khoảng hơn 2.000 hộ dân ở huyện Gio Linh, Vĩnh Linh có vườn tiêu bị nhiễm bệnh nặng, đồng nghĩa người trồng bị thất thu lớn số tiền hàng chục tỷ đồng. Các xã Gio An, Trung Sơn, Hải Thái của huyện Gio Linh nhiều vườn cây chết hàng loạt.

Trước tình hình bệnh hại hồ tiêu dai dẳng, Chi cục Trồng Trọt - BVTV Quảng Trị đã chỉ đạo các Trạm Trồng trọt - BVTV phối hợp chặt chẽ với các huyện cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, thường xuyên cùng dân thăm vườn kiểm tra, phát hiện kịp thời, dự tính dự báo, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật và phòng trừ bệnh hại.

Chủ động hướng dẫn bà con nông dân đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh như xử lý thuốc và các chế phẩm sinh học để phòng trừ. Thu gom nguồn bệnh đưa ra khỏi vườn để tiêu hủy. Đào rãnh thoát nước trong vườn để hạn chế úng ngập trong mùa mưa...

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, bà Nguyễn Hồng Phương phát hiện nhiều vườn chưa được phòng trừ triệt để, chưa đúng kỹ thuật. Do đa số bà con trồng theo hình thức quảng canh, trồng trong vườn nhà nên ngại xử lý thuốc hóa học để diệt sâu bệnh. Hơn nữa, vườn tiêu đã lâu năm, trồng xen nhiều loại cây khác như nghệ, gừng, bơ… làm ẩm độ trong vườn cao, thoát nước kém, nước chảy từ vườn này sang vườn khác tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan phát tán. Vì vậy, sau những đợt mưa kéo dài vào những tháng cuối năm 2017 cho đến thời điểm hiện tại cây tiêu tiếp tục nhiễm bệnh và chết.

Ứng dụng khoa học công nghệvào sản xuất

Để kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục vườn hồ tiêu chết do bệnh chết nhanh, Chi cục Trồng trọt - BVTV đã tiến hành 16 lớp tập huấn cho gần 1.000 lượt hộ nông dân tham gia, triển khai 4 mô hình trồng tiêu an toàn tại 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ cho người dân áp dụng học tập. Việc xây dựng các vườn tiêu an toàn dịch bệnh được triển khai cho các hộ trồng tiêu có khả năng đầu tư và cóthể phổ biến kỹ thuật cho các hộ khác làm theo. Đến nay, các vườn trong mô hình phát triển rất tốt, không bị ảnh hưởng do úng ngập và sâu bệnh.

Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch huyện Gio Linh và ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch huyện Vĩnh Linh, hai địa phương có nhiều diện tích hồ tiêu bị chết đề nghị về lâu dài ngành nông nghiệp Quảng Trị cần rà soát, đánh giá hiện trạng và quy hoạch lại các vùng trồng hồ tiêu phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Yêu cầu các vùng trồng hồ tiêu phải tuân thủ quy hoạch hệ thống thoát, tiêu nước luôn vùng, khoảnh, thửa để quản lý tình trạng úng nước mùa mưa và lây lan bệnh vườn này sang vườn khác qua đường nước. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, bỏ tập quán đào hào trồng tiêu...

Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Trị còn mời các chuyên gia củaĐH Nông lâm Huế đến giúp nghiên cứu sớm tìm giải pháp phù hợp để khắc phục ảnh hưởng do ngập úng và bệnh chết nhanh.

Về dài hạn, bà Nguyễn Hồng Phương đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người trồng hồ tiêu khắc phục thiệt hại và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh để phát triển cây trồng chủ lực theo hướng bền vững.