Nâng cao chất lượng lương thực, thực phẩm của Việt Nam
Đề án nhằm góp phần phát triển ngành nông nghiệp nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và kết nối với hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) toàn cầu theo hướng “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Mạng lưới đổi mới sáng tạo LTTP giúp đáp ứng các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Một trong những mục tiêu Đề án đặt ra là nâng cao chất lượng sản phẩm LTTP của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới, từng bước đưa các sản phẩm của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần đưa tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5 – 6%/năm.
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo LTTP Việt Nam sẽ sử dụng mô hình của Văn phòng Đối tác Nông nghiệp bền vững Việt Nam, do đây là một mô hình đảm bảo sự tham gia, đóng góp và hưởng lợi của các bên liên quan. Mô hình mạng lưới gồm Nhóm Đối tác Đổi mới sáng tạo LTTP với Bộ NN&PTNT là Trưởng nhóm có vai trò định hướng về chiến lược và lồng ghép với các chương trình hành động của Chính phủ trong khi vẫn đảm bảo vai trò và sự đóng góp tích cực của các bên liên quan khác trong hệ thống LTTP.
Mạng lưới được vận hành với một Ban Thư ký đặt tại Bộ NN&PTNT theo cơ chế thuê chuyên gia và được nhận tài trợ (từ các nguồn lực trong nước và quốc tế) cho việc điều phối và triển khai các hoạt động phục vụ cho Ban chỉ đạo quốc gia. Mạng lưới sẽ có Ban Cố vấn cung cấp tư vấn chuyên môn cho những thách thức phải đối mặt trong quá trình xây dựng các hệ thống LTTP bền vững và đổi mới. Ban Cố vấn sẽ đưa ra các khuyến nghị về các chương trình, chính sách và sự tham gia của các bên liên quan để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đặt ra của Mạng lưới.
Ở cấp vùng sẽ có Nhóm đối tác đổi mới sáng tạo LTTP cấp vùng, do đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT làm Trưởng nhóm, các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu địa phương là thành viên nòng cốt, kết nối với các nhóm công tác ở Trung ương để giúp kết nối thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, giải quyết các vấn đề tồn tại trong hệ thống LTTP tại địa phương.
Cơ chế triển khai của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo LTTP Việt Nam là cơ chế thí điểm, có thời hạn, gồm 2 giai đoạn là 2023 – 2024 và 2025 – 2030. Sau mỗi giai đoạn sẽ có đánh giá kết quả triển khai và xây dựng kế hoạch triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Mạng lưới hướng đến 5 lĩnh vực đổi mới sáng tạo của hệ thống LTTP nằm trong ưu tiên quốc gia của Chương trình Hành động Quốc gia của Bộ NN&PTNT về Hệ thống lương thực Việt Nam. Một số công nghệ ưu tiên được lựa chọn ban đầu gồm: Các công nghệ mới hạn chế tiến tới thay thế dần việc sử dụng hóa chất nông nghiệp bằng các sản phẩm hữu cơ, sinh học để không tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người; Công nghệ mới trong chọn tạo và phát triển giống mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu bệnh và điều kiện bất thuận; Công nghệ mới trong sản xuất thức ăn, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh…