Nâng cấp hoạt động kiểm dịch tại chợ trâu, bò lớn nhất miền Bắc
Chợ Nghiên Loan là một trong những chợ có lượng giao dịch trâu, bò lớn nhất khu vực miền Bắc, trung bình mỗi phiên có trên 1.000 con.
Chợ họp 5 ngày một phiên, các thương lái vận chuyển trâu, bò từ các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An về giao dịch.
Chợ trâu, bò Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) luôn trong tình trạng quá tải.
Để đến chợ, thương lái các tỉnh vận chuyển trâu, bò bằng xe ôtô đi qua nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nên việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và quản lý an toàn dịch bệnh động vật rất khó khăn.
Ông Lê Tuấn Mậu, kiểm dịch viên (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn) cho biết, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh tại chợ là rất lớn. Hiện nay, trước khi trâu bò vào chợ sẽ được ban quản lý chợ và lực lượng thú y kiểm tra. Trong khi giao dịch, các chủ hàng có nhu cầu vận chuyển ra khỏi tỉnh sẽ được cấp giấy kiểm dịch.
Để được cấp giấy kiểm dịch động vật, trâu, bò sau khi kiểm tra lâm sàng nếu không có biểu hiện mắc bệnh sẽ phun khử trùng, sau đó mới được vận chuyển sang tỉnh khác.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng tồn tại bất cập, theo quy định, động vật, sản phẩm động vật trong danh mục bắt buộc phải kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, vận chuyển nội tỉnh không bắt buộc.
Một thương lái lâu năm tại chợ Nghiên Loan cho biết, sau khi mua bán chủ hàng chở đi trong tỉnh hay ngoài tỉnh rất khó xác định. Trường hợp chủ hàng báo chỉ chở trong tỉnh nhưng sau đó vận chuyển sang tỉnh khác hoàn toàn có thể xảy ra. Đây cũng là kẽ hở, dễ bị lợi dụng khiến công tác phòng dịch gặp khó khăn.
Kiểm tra lâm sàng gia súc tại chợ Nghiên Loan.
Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên đàn trâu, bò, tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành phương án siết chặt quản lý dịch bệnh động vật tại chợ Nghiên Loan.
Theo đó, gia súc vận chuyển vào chợ phải được kiểm tra lâm sàng, chủ hàng xuất trình hồ sơ kiểm dịch theo quy định. Đối với trâu, bò ở trong tỉnh phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng còn hiệu lực.
Đối với gia súc đến từ tỉnh khác phải có giấy kiểm dịch vận chuyển gia súc. Trường hợp không có hồ sơ kiểm dịch và giấy chứng nhận tiêm phòng phải được nuôi cách ly, theo dõi và tiêm phòng bổ sung vacxin sau đó mới được phép giao dịch.
Khi phát hiện gia súc có biểu hiện nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ban quản lý chợ phối hợp với thú y địa phương lập biên bản, cách ly ngay, không giết mổ, mua bán.
Trong thời gian địa phương đang công bố dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với gia súc, UBND cấp huyện chỉ đạo tạm ngừng hoạt động mua, bán trâu, bò tại chợ.
Quy định mới này cũng nâng mức phòng dịch tại chợ Nghiên Loan, bắt buộc vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi phiên chợ, nơi cách ly kiểm dịch động vật phải định kỳ khử trùng ít nhất một lần trong tuần.
Khu vực giao dịch trâu, bò tại chợ Nghiên Loan phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh. Ban quan lý chợ phải xây dựng khu nuôi nhốt gia súc nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Do quá tải, việc vệ sinh, phòng dịch tại chợ Nghiên Loan gặp khó khăn.
Để đáp ứng những quy định mới, năm 2021 chợ Nghiên Loan đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên hiện nay chợ luôn trong tình trạng quá tải, số lượng trâu, bò quá lớn khiến việc vệ sinh, phòng dịch rất khó khăn.
Trước thực trạng này, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục bố trí kinh phí cải tạo lại khu đình chợ đã xuống cấp, mở rộng thêm mặt bằng chợ. Chợ Nghiên Loan sau cải tạo sẽ có 3 khu vực chính là chợ mới, chợ cũ và khu lưu trú cho thương lái, khách du lịch.