Ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định

Ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định
Theo số liệu thống kê, tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu chăn nuôi đạt 40,8 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 152 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu 14,32 tỷ USD; xuất siêu 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%. 

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 4 diễn ra trong tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở mức cao tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nắng nóng khắc nghiệt cùng với hạn mặn ở một số vùng đã ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thức ăn xanh của trâu, bò. Do vậy, người chăn nuôi phải tăng cường thức ăn công nghiệp dẫn đến chi phí đầu vào tăng, thời gian nuôi kéo dài nên hiệu quả kinh tế thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ nuôi gia súc có xu hướng giảm, đặc biệt ở vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tổng số bò giảm 0,2%, tổng số trâu giảm 2,7%.

Tốc độ tăng số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 4/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ tăng số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 4/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chăn nuôi heo và gia cầm tiếp tục tăng trưởng khá. Ước tính tổng số heo của cả nước đến thời điểm cuối tháng 4/2024 tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 2,2%. Đáng chú ý, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Đàn heo có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt heo hơi tăng. Ước tính chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi heo tháng 4 tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi tiếp tục được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ. Tính đến ngày 23/4/2024, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Vĩnh Long; dịch lở mồm long móng còn ở Sơn La, Quảng Nam và dịch tả heo châu Phi còn ở 17 địa phương chưa qua 21 ngày.

Nhận định về tình hình phát triển của ngành chăn nuôi thời gian qua, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Chăn nuôi vẫn duy trì, phát triển theo hướng tích cực và tương đối ổn định. Sản lượng chăn nuôi tiếp tục tăng, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt là giá heo hơi, gia cầm hơi xuất chuồng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm giảm. Vì vậy, về trung bình giá như hiện nay thì người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi.

Trong năm nay, ngành chăn nuôi sẽ tập trung nguồn lực để triển khai tái cơ cấu (theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT), triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt triển khai 5 đề án ưu tiên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với bối cảnh mới, tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực; nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.