Ngành Dệt may hướng tới phát triển bền vững

Ngành Dệt may hướng tới phát triển bền vững

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành Dệt may đang đứng trước nhiều thách thức buộc phải thay đổi để thích nghi và phát triển bền vững.

Nhiều thách thức

Theo bà Phạm Tuyết Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội Dệt may tại TPHCM, thời gian qua có nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của ngành dệt may. Những kiến nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn cho ngành đã được Chính phủ và các bộ, ngành ghi nhận và điều chỉnh nhanh chóng. Cụ thể, đến nay đã có nhiều tỉnh, thành thành lập riêng khu công nghiệp dành cho hoạt động dệt may. Trong đó, các khu công nghiệp đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải giúp DN hoàn thiện trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất. Đặc biệt, chuyên môn hoá trong hoạt động xử lý chất thải tại các khu công nghiệp cũng đã giúp DN chuyên tâm hơn. Các quy định kiểm tra chuyên ngành liên quan đến chất admin thơm hay formaldehyde… đã được gỡ bỏ. Thời gian thông quan nhờ vậy cũng được rút ngắn, đã tạo tác động tích cực cho DN đẩy nhanh khả năng đáp ứng đơn đặt hàng của các đối tác, kim ngạch XK cũng vì thế tăng mạnh.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành Dệt may được dự báo là đứng trước hai thách thức lớn. Các FTA mà Việt Nam ký kết đều có rào cản về môi trường, phát triển bền vững, phát triển xanh. Điều này đòi hỏi DN phải nỗ lực cải thiện không chỉ về chất lượng sản phẩm mà cả quá trình sản xuất ra sản phẩm. Trường hợp DN gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… hoàn toàn có nguy cơ bị ngưng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đơn đặt hàng, nhất là với những đơn hàng của các DN may mặc có thương hiệu lớn trên thế giới.

Trên thực tế, phần lớn DN dệt may Việt Nam là gia công nên phụ thuộc rất lớn vào đơn đặt hàng của các nước trên thế giới. Mặt khác, dây chuyền công nghệ sản xuất khá lạc hậu. Do vậy, cùng với rào cản kỹ thuật mềm về trách nhiệm xã hội với môi trường, sức khoẻ cộng đồng chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng của ngành.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong năm 2018, doanh nghiệp dệt may đã đạt mức kim ngạch xuất khẩu tới hơn 36 tỷ USD, do những thế mạnh về tay nghề kỹ thuật cao, tiêu chí sản xuất xanh, quản trị tiên tiến, và quan hệ sâu với khách hàng truyền thống... Tuy nhiên, thị trường dệt may thế giới ngày một thách thức hơn, khi tình hình căng thẳng thương mại gia tăng, khiến ảnh hưởng tới giá dịch vụ, cũng như nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các nước XK mạnh cũng coi Việt Nam là đối thủ cần kiềm chế. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành Dệt may trong năm 2019 và tương lai gần, ngành cần đổi mới cạnh tranh bằng các phương pháp thông minh hơn.

Theo ông Trường, các DN dệt may không còn cách nào khác là phải sở hữu “bộ công cụ cạnh tranh” mới, bao gồm: Tập trung đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, xanh hóa sản xuất, nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) thông qua nhiều giải pháp, trong đó có năng suất lao động cá nhân bằng tự động hóa. Ngoài ra, việc quan tâm công nghệ mới, liên kết các DN với nhau qua hệ thống sử dụng chung thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cũng là những yếu tố bắt buộc trong lộ trình cạnh tranh những năm tới.

Bắt buộc phải “xanh hoá”

Ông Thomas Mills, đại diện thương hiệu Tommy Hifiger cho biết, rất nhiều DN dệt may Việt Nam cần phải thay đổi để phát triển bền vững. Có 3 lý do chính để DN Việt Nam phải chuyển đổi. Một là đối tác đặt đơn hàng là những thương hiệu may mặc lớn trên thế giới đang chuyển hướng sang ưu tiên đặt đơn hàng cho những DN xanh. Hai là người tiêu dùng sản phẩm trên toàn cầu đã bắt đầu xem xét yếu tố trách nhiệm xã hội với môi trường của DN sản xuất và cuối cùng là thương hiệu sản phẩm may mặc đã có hành động sẵn sàng tham gia mục tiêu giảm khí thải nhà kính. Trên thực tế, 148 thương hiệu may mặc lớn trên thế giới tham gia sáng kiến sử dụng năng lượng sạch và bắt đầu triển khai vào năm 2022. Về yếu tố khách quan, những thay đổi nguồn cung nước khu vực thượng nguồn sông Mê Kông cũng đang tác động mạnh đến nhu cầu sử dụng nguồn nước cho ngành Dệt may.

Ở phạm vi rộng hơn cho thấy, hơn 50% nhà máy sản xuất điện tại Việt Nam đang sử dụng than đá. Và trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng khí thải đang gây ô nhiễm môi trường, thì giải pháp phát triển xanh là giải pháp duy nhất để DN giảm áp lực an ninh năng lượng, phát triển bền vững. Ở chiều ngược lại, nếu các DN sản xuất công nghiệp bắt tay yêu cầu phải được cung ứng, sử dụng năng lượng sạch thì cũng sẽ tạo những tác động nhất định trong việc buộc DN cung ứng năng lượng sản xuất năng lượng sạch.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam gắn liền với phát triển của kinh tế. Trong đó ngành dệt may không chỉ phải giải quyết các vấn đề công ăn việc làm, chuyển dịch công nghiệp hoá của các địa phương, mà việc xanh hoá của ngành Dệt may còn tác động đến môi trường và sự phát triển bền vững của nền kinh tế và ngành Dệt may. Do vậy, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục tuân thủ mối quan hệ hợp tác gắn kết, sự phát triển bền vững trong chương trình xanh hoá ngành dệt may và tiết kiệm nguồn nước.

Trong thời gian tới ngành Dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh trong nội tại của ngành và của nền kinh tế toàn cầu. Trước các thách thức này, ngành Dệt may Việt Nam đang tích cực áp dụng công nghệ 4.0 và triển khai các giải pháp thực hiện các chương trình Chính phủ đặt ra cho ngành Dệt may gồm thực hiện các FTA đã ký kết, tác động đến khả năng cạnh tranh về lao động; Tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường, tiết kiêm nguồn nước và xanh hoá ngành dệt may,…”, ông Giang cho biết.

Sự chuyển hoá xanh trong lĩnh vực dệt may với sự tham gia của hàng trăm thương hiệu may mặc trên thế giới đã đặt ngành dệt may Việt Nam trước những thách thức mới. Để có thể giữ được đà tăng trưởng kim ngạch XK, DN không chỉ phải đáp ứng yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu sản xuất phải là nội địa mà còn phải chứng minh được trách nhiệm xã hội của mình với sức khoẻ cộng đồng.