Nghệ An: Ông Chun tự tin nuôi gia súc hàng hóa nhờ đầy đủ vacxin
Khác biệt chốn rẻo cao
Dải đất rẻo cao Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức. Đây là điểm cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 7, đường đi xa lắc, trắc trở, địa hình, thời tiết bất thuận… là những lực cản lớn đối với quá trình phát triển của địa phương này.
Đặt trong bối cảnh khốn khó, việc áp dụng mô hình chăn nuôi truyền thống, vốn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên ắt hẳn chẳng dễ dàng gì. Lo ngại trên không thừa nếu nhìn vào thực trạng nhãn tiền trong những năm qua.
Lấy luôn Nậm Cắn làm ví dụ, thời cực thịnh nghề vỗ béo trâu, bò mang lại lợi nhuận cao ngất ngưỡng cho đồng bào nơi đây, nhiều hộ kiếm tiền trăm bạc tỷ dễ như trở bàn tay. Ngặt nỗi thị trường về sau tụt dốc không phanh, kết hợp thêm rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh đẩy nhiều nhà vào cảnh trắng tay, gắng gượng không nổi buộc phải bỏ nghề.
Ông Moong Văn Chun ở huyện Kỳ Sơn rất tự tin khi tiếp cận mô hình chăn nuôi gia súc hàng hóa nhờ bộ vacxin cho gia súc hiện nay rất đầy đủ và phong phú.
Khác với số đông, ông Moong Văn Chun, người Khơ Mú, trú tại bản Khánh Thành lại duy trì được sự ổn định đáng kinh ngạc, trong bất kỳ hoàn cảnh nào người đàn ông này vẫn đều đặn thu lợi nhuận cao từ chính đàn vật nuôi của mình. Tránh bị động, bên cạnh nuôi trâu, bò, ông Chun chủ động nhân rộng đàn dê, xem đây là trọng tâm trong phát triển kinh tế.
Lựa chọn này có cơ sở, xuất phát từ đặc tính “hợp” với địa hình đồi núi dốc, lúc bấy giờ tại đất Nậm Cắn cũng không có nhiều người nuôi dê, đồng nghĩa sự cạnh tranh không cao. Ông Moong như thể người tiên phong mở lối, nhanh nhạy đi tắt đón đầu nên sớm tạo dựng được hệ thống, mạng lưới thu mua đủ lớn, do đó việc tiêu thụ sản phẩm chưa bao giờ là mối bận tâm.
Điểm qua thì dễ nhưng để gầy dựng thành quả như hôm nay không phải là câu chuyện có thể hoàn thành chỉ trong ngày 1 ngày 2, trái lại phải nhẫn nại, kiên trì từng bước. Mô hình chăn nuôi dê của ông Chun nằm trong tổng thể chương trình “Dân vận khéo”, nhằm giá chính xác tính khả thi cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ nếu có, bước đầu ông Chun chỉ đầu tư, nuôi… 2 con dê cái. Về sau tiếp tục bổ sung nhưng mức độ rất nhỏ giọt.
Nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ông Moong Văn Chun.
Đến năm 2018, qua một thời gian chăm bẵm đủ dài, nhận thấy thể trạng con dê hoàn toàn phù hợp với đất này, đặc biệt là gần như miễn nhiễm với dịch bệnh khi được tiêm phòng vacxin đầy đủ, ông Chun quyết định huy động vốn chơi tấy tay, vừa mở rộng quy mô diện tích lại nâng cao tổng đàn theo cấp số nhân, chính thức áp dụng quy trình chăn nuôi hàng hóa kể từ đây. Toan tính mạnh bạo đã mang lại thành quả ngọt ngào, riêng nuôi dê không thôi mỗi năm gia đình lãi ròng cả trăm triệu đồng.
Chân chất, thật thà, ông Moong chia sẻ thật như đếm: “Tôi là Moong Văn Chun, trú tại bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn. Tôi xuất thân nông dân, bao thế hệ đi trước vẫn làm nông nghiệp truyền thống, đến đời tôi vẫn vậy, chỉ khác cách thức triển khai mà thôi. Trước đây tôi trồng lúa, trồng ngô và các loại hoa màu khác, do nắng lắm mưa nhiều, thiên tai trực chờ ghé thăm nên mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa và 1 vụ ngô, đời sống bấp bênh lắm.
Không cam chịu đói nghèo, năm 2016 được Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện, gia đình tôi vay 30 triệu đồng tậu được 2 con trâu lớn. Quá trình tích cóp sau đó lại mua được thêm bò, dê, lợn, quy mô ban đầu cũng hạn chế thôi, mình phải tích lũy trong khoảng thời gian rất dài mới có được thành quả như bây giờ”.
Đàn gia súc luôn được ông Chun tiêm phòng vacxin đầy đủ, đúng định kỳ lịch tiêm.
Ông Chun nhấn mạnh thêm, từ chủ trưởng của Đảng và Nhà nước mình được tạo điều kiện về vốn, về con giống, được học tập kinh nghiệm thực tế, nhờ đó mới mạnh dạn mở rộng quy mô, hình thức. Thấy rằng nếu làm đúng cách, kết hợp chủ động tiêm phòng, ứng phó dịch bệnh sẽ cho kết quả khả quan.
Đánh giá về cách thức chăn nuôi của ông Moong Văn Chun, ông Hờ Pá Pó, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn khẳng định mô hình rất triển vọng, là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn:
“Được sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân trong việc vay vốn, truyền tải kiến thức, hướng dẫn quy trình chăn nuôi bài bản, ông Chun đã lĩnh hội, nắm bắt rất nhanh. Quá trình làm ông Chun chủ động tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, nhất là những bệnh nguy hiểm như tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Theo tôi đây là một trong những yếu tố tiên quyết để duy trì ổn định trong khoảng thời gian dài với quy mô ngày một lớn dần”.
Lĩnh hội đủ đầy kiến thức, nền tảng khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn do giúp ông Chun duy trì và phát triển mô hình hiệu quả, diễn biến năm sau luôn ấn tượng hơn năm trước…
“Chăn nuôi vùng cao đối diện với nhiều áp lực, nếu phó mặc hoàn toàn cho ông trời cầm chắc thất bại. Mình nuôi gia súc quy mô lớn trên đồng cỏ bao la thực tâm không dễ để quán xuyến, khó tránh khỏi sự cố ngoài ý muốn. 2 năm trở lại đây thời tiết chuyển biến khó lường, mưa nhiều, ẩm độ cao kéo theo bệnh tiêu chảy và viêm phổi trên dê, cũng may nhờ tiêm phòng đầy đủ nên hạn chế được tối đa”, ông Moong Văn Chun bộc bạch.
Người hùng của đồng bào Khơ Mú
Từ kết quả đạt được, gia đình quyết định cắt giảm diện tích trồng lúa để dồn quỹ đất phát triển chăn nuôi hàng hóa. Trên quy mô 25 ha, ông dành hẳn một phần diện tích trồng cỏ voi để chủ động thức chăn cho trâu, bò. Phạm vi còn lại được khoanh vùng, rào chắn kỹ càng phục vụ mục đích chăn thả, gia súc sống trong môi trường rộng lớn nên phát triển nhanh, đạt chất lượng tốt.
Quá trình sản xuất kinh doanh thuận lợi mang lại cho ông Chun lợi nhuận đáng mơ ước, trừ đi chi phí liên quan (thức ăn, thuốc BVTV, công lao động) thực lãi hàng trăm triệu đồng/ năm. Dòng tiền đều đặn chảy về túi giúp ông Moong có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sang đồ dùng đắt tiền, đồng thời trang trải cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn.
Nhờ những dấu ấn vang dội trên mặt trận nông nghiệp, ông Moong Văn Chun đã nhiều lần được vinh danh là hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp, những đóng góp quan trọng cho cộng đồng được chính quyền các cấp ghi nhận xứng đáng. Tốt cho bản thân và lan tỏa tích cực cho xã hội, phương diện nào ông Chun cũng hoàn thành xuất sắc.
Ông Moong Văn Chun là niềm tự hào của xã Nậm Cắn nói riêng, của đồng bào dân tộc Khơ Mú nói chung.
Trên thực tế, mô hình đã trực tiếp giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm ông Chun đều giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, vật tư, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, qua đó tạo động lực, niềm tin để vươn lên nghịch cảnh.
“Từ khi chuyển đổi hình thức từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang chăn nuôi hàng hóa, ông Moong Văn Chun đã tạo nên sự khác biệt lớn. Đối với địa bàn xã Nậm Cắn và đồng bào dân tộc Khơ Mú, ông Chun là một trong những điểm sáng đáng ghi nhận”, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn đánh giá.