Người nông dân tạo nhiều giống lúa mới quý
Nhiều năm qua, ông Nguyễn Anh Dũng, 52 tuổi, xã Định An, huyện Lấp Vò, lai tạo nhiều giống lúa mới có giá trị cao giúp người nông dân sản xuất hiệu quả.
Hơn 20 năm trước, chàng thanh niên quê Định An xuất ngũ, về xứ miệt vườn làm nông nghiệp. Khác nhiều nông dân cùng lứa ông nhanh nhạy và chịu đổi mới. Năm 2003, ông được địa phương cử tham gia lớp tập huấn giống nông hộ (kỹ thuật sản xuất giống lúa) để hướng dẫn người nông dân.
Trở thành "giảng viên" cho nông dân, ông bắt đầu đam mê, mày mò lai tạo các giống lúa mới. Nhiều năm làm ruộng, ông am hiểu từng chu kỳ phát triển của cây lúa. Tuy nhiên việc tạo giống không hề đơn giản với người chưa được đào tạo nông nghiệp bài bản như ông. Việc lai tạo đòi hỏi người làm thực hành phải thực sự đam mê, bền bỉ nhiều năm liền.
Ông Nguyễn Anh Dũng tại cánh đồng sản xuất lúa giống, huyện Lấp Vò.
"Hạt lúa cây mẹ trổ 2/3 bông cắt bỏ túi phấn, lấy phấn cây bố thụ qua. Công đoạn này đòi hỏi tay phải chính xác, mắt quan sát thật kỹ. Chỉ cần sơ suất nhỏ là hư liền", ông kể và bảo ban đầu việc thụ phấn chỉ thành công khoảng 20%. Quần quật cả ngày ngoài đồng, tối về ông lại chong đèn luyện tập "thụ phấn cho lúa".
Sau khi thuần thục 70-80%, ông Dũng gặp thử thách khi hạt giống mới lai tạo gieo không nảy mầm hoặc sức sống yếu, bông lúa trổ không đạt... Khóm lúa nhân giống sau nhà cứ èo uột từ mùa này sang mùa khác. "Hên lắm sau 9 vụ lúa, tức 3 năm sẽ cho ra giống thuần chủng, đúng mong muốn ban đầu còn thông thường phải mất 4-5 năm", ông nói.
Chín năm sau ngày "khởi nghiệp" tạo giống lúa, người nông dân xứ Lấp Vò thu "quả ngọt" đầu tiên là giống LD2012 lai từ cây mẹ giống OM 6976 và cây bố IR 50404. Loại này đặc tính ngắn ngày, chống chịu tốt sâu bệnh, hạt dài, cơm dẻo.
Tiếp tục gieo cho vụ kế, năm 2015 ông Dũng phát hiện cây lúa đặc biệt, có mùi thơm hương dứa tự nhiên, thời gian sinh trưởng chừng 90 ngày. Hạt lúa giống mới màu đỏ được ông đặt tên Ngọc đỏ hương dứa, đăng ký bảo hộ.
Ông dùng cách riêng quảng bá cho giống lúa mới. Gạo vừa xay xong, ông mang biếu từ bác xe ôm, người trong vùng và xứ khác đến, lãnh đạo xã, huyện, tỉnh... Bền bỉ với phương châm "cho đi rồi sẽ nhận lại", sau 3 tháng ông có đơn hàng đầu tiên. Ban đầu chỉ mấy giạ rồi dần dà lên đến mười mấy tấn gạo một vụ.
Ông Dũng cùng các kỹ sư chăm sóc giống lúa mới được lai tạo.
Một doanh nghiệp thấy giống Ngọc đỏ hương dứa có khả năng thương mại nên ngỏ ý "mua đứt" với giá 4 tỷ đồng, song ông từ chối. Bởi cha đẻ giống Ngọc đỏ hương dứa nghĩ nếu bán mình có thêm vốn nhưng những nông dân xứ Lấp Vò không được hưởng lợi. Ông đề nghị doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu độc quyền, còn mình sẽ tập hợp nông dân sản xuất lúa.
Đề xuất được doanh nghiệp đồng ý, ký kết mua 8.000 đồng một kg, cao hơn 1.000-3.000 đồng/kg so với các giống lúa khác, trong đó tiền bản quyền giống là 500 đồng mỗi kg. Suốt 4 năm từ 2016 đến 2019, diện tích lúa được bao tiêu lên đến 500 ha mỗi năm. Nông dân cùng sản xuất với ông đạt lợi nhuận thêm 5 triệu đồng mỗi ha (so với làm giống lúa khác), không sợ đầu ra bấp bênh.
Sau Ngọc đỏ hương dứa, ông tiếp tục lai tạo thành công giống ND3, LD2012-1 và một vài giống khác đang đăng ký bảo hộ.
Năm 2012, cùng một số nông dân thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Định An, ông được giao vai trò giám đốc. Hiện, các loại giống lúa mới do ông lai tạo mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng một trăm tấn. So với công ty chuyên cung cấp giống, con số ấy chẳng là bao nhưng với quy mô một hợp tác xã không hề nhỏ.
Gần 20 năm làm nông, ông được Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI công nhận là "nông dân bảo tồn đa dạng sinh học giống lúa Đồng bằng sông Cửu Long". Các cuộc thi nông dân trồng lúa giỏi khu vực miền Tây, canh tác lúa thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, ông đều đạt giải nhất; được công nhận là "nhà khoa học của nhà nông" cách đây 2 năm.
Mới đây ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh nông dân xuất sắc nhất năm.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Nguyện nói ông Dũng là nông dân tiêu biểu của tỉnh về tinh thần học hỏi, chịu khó mày mò tìm giống mới. "Khi gặp khó khăn Dũng không nản chí, quyết tâm làm đến cùng", ông Nguyện nói. Điều đáng quý sau khi tạo thành công giống mới, ông Dũng chủ động tìm kiếm thị trường chứ không ngồi chờ doanh nghiệp đến mua, mục đích giúp nông có lợi nhiều nhất từ giống lúa mới mình tạo ra.