Nhận diện và kiểm soát hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang phối hợp Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang ngày 18/10 tổ chức lớp tập huấn “Nhận diện và kiểm soát hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi”.
Lớp tập huấn nhằm chia sẻ, giới thiệu, hướng dẫn những giải pháp đồng bộ, tối ưu mang tính khoa học trong phòng ngừa, kiểm soát loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Lớp tập huấn "Nhận diện và kiểm soát hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi" diễn ra sáng 18/10 tại Tiền Giang.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang, từ cuối năm 2022 đến nay, tỉnh này ghi nhận 6 xã thuộc 5 huyện (Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Cái Bè) xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Số lợn chết và tiêu hủy do dịch là 215 con, trọng lượng 7.300kg.
Nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra rằng, dịch tả lợn Châu Phi từ lợn sống và các sản phẩm từ lợn mang mầm bệnh là nguyên nhân chính gây bùng phát dịch ở các nông hộ, trang trại quy mô nhỏ. Trong khi đó, việc lây truyền virus cơ học qua phương tiện, con người là nguyên nhân chính gây bùng phát dịch ở các trang trại quy mô vừa và lớn.
Hiện nay, chiến lược phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi tập trung vào nghiên cứu vacxin, sát trùng, tẩy rửa hiệu quả và chăn nuôi an toàn sinh học. Do đó, lớp tập huấn cũng tập trung vào ba vấn đề cơ bản: Mối liên hệ giữa đặc điểm virus gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi với chiến lược phòng ngừa, kiểm soát; Thông tin về vacxin phòng bệnh; Áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là vai trò quan trọng của chất tẩy rửa, thuốc sát trùng.
Hiện, Việt Nam đã chính thức có vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi thương mại, được Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành trên toàn quốc. Thạc sĩ Quách Vô Ngôn, Phó Giám đốc Kinh doanh tiếp thị - Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương - Navetco chia sẻ: Vacxin Navet-ASF Vac của Navetco đến nay đã được tiêm phòng cho lợn trên diện rộng với 529 trang trại tại 29 tỉnh, thành phố cả nước.
Vacxin được tiêm phòng ở các trại nuôi có quy mô khác nhau từ 50 con đến 2.000 con. Trong đó, phổ biến là các trại nuôi theo kiểu chuồng hở, điều kiện vệ sinh và an toàn không nghiêm ngặt, thậm chí không áp dụng an toàn sinh học. Trong đó, có những hộ quy mô dưới 200 con và sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng nên nguy cơ khá cao. Tuy nhiên, qua kiểm tra kết quả tiêm vacxin tại các trang trại này vẫn cho kết quả an toàn và đạt hiệu quả tốt.
Đối với vacxin của Navetco, trong giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn giám sát tại Tiền Giang chưa thấy có hiện tượng gì bất thường.
Với tổng số liều tiêm trên 56.000, trong đó có trên 50.000 liều được giám sát cho kết quả vacxin an toàn trên heo được chỉ định tiêm phòng. Về khả năng đáp ứng kháng thể, sau khi tiêm 1 mũi tỷ lệ đáp ứng kháng thể đạt trên 85%, sau mũi 2 tỷ lệ này đạt trên 97%. Bình quân chung, tỷ lệ đáp ứng kháng thể khoảng 95%. Về mặt lâm sàng, vacxin có khả năng bảo hộ tốt đàn heo, sau 28 ngày tiêm không có bất kỳ trại nuôi nào bùng phát dịch tả lợn Châu Phi.
Tuy nhiên, để vacxin đạt hiệu quả cao nhất, các chuyên gia cho rằng vẫn cần thực hiện triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Nguyễn Minh Thuần, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Cốt lõi của ngành chăn nuôi lúc này vẫn là bệnh dịch tả lợn Châu Phi còn rất nghiêm trọng. Sử dụng vacxin thành công là sự mong mỏi của người dân.
“Đối với vacxin của Navetco, trong giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn giám sát chưa thấy có hiện tượng gì bất thường. Mặc dù đã có quyết định lưu hành chính thức, nhưng bà con vẫn còn e dè chưa mạnh dạn trong sử dụng vacxin. Hội cũng mong muốn bà con tìm hiểu, tiếp cận để áp dụng sản xuất đón đầu thị trường tết sắp tới”, ông Nguyễn Minh Thuần chia se.
8 tháng năm 2023, tổng đàn heo ở Tiền Giang đạt trên 290.000 con. Hiện, bà con chăn nuôi đang chuẩn bị tăng đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Việc ứng dụng vacxin phòng bệnh, góp phần giúp đàn heo của tỉnh Tiền Giang phát triển ổn định, đón đầu nhu cầu thị trường sắp tới.