Nhận thức rõ thị trường để đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn thực phẩm
Để đáp ứng tốt yêu cầu về an toàn thực phẩm của các thị trường, tránh những cảnh báo, theo các cơ quan quản lý, chuyên gia điều đầu tiên người sản xuất cần nhận thức rõ về yêu cầu thị trường.
Trong tháng 10/2021, Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đã đưa ra 4 thông báo đối với các sản phẩm của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Bốn sản phẩm trên gồm chôm chôm, mộc nhĩ khô, hạt tiêu đen và bột quế.
Để đáp ứng tốt yêu cầu về an toàn thực phẩm của các thị trường, tránh những cảnh báo, theo các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp, điều đầu tiên người sản xuất cần nhận thức rõ về yêu cầu thị trường để từ đó có hành động đúng.
Các hoạt chất bảo vệ thực vật bị cảnh báo ở các sản phẩm trên nằm trong Danh mục Thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phòng trừ một số loại sâu hại trên cây trồng như: nhện, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, mối, rệp sáp trên lúa, cà phê, hồ tiêu….
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết tháng 10 vừa qua, Việt Nam có 4 cảnh báo trên Hệ thống cảnh báo An toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF). Trong khi đó, Hệ thống RASFF có trên 400 thông báo đối với lô hàng của các quốc gia nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường EU vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do. Thực tế cho thấy khi tham gia hội nhập, các nước có những vi phạm, bị cảnh báo, điều này là bình thường. Quan trọng là cố gắng tối đa không vi phạm.
Các mối nguy vi phạm an toàn thực phẩm có thể xuất hiện bất kỳ ở khâu nào. Sau mỗi cảnh báo của các thị trường, mấu chốt là rút ra được bài học gì. Không chỉ EU và tất cả các thị trường đều liên tục có những thay đổi về an toàn thực phẩm, quy định mức dư lượng các hoạt chất bảo vệ thực vật, kháng sinh… Việc thay đổi này đều được dựa trên cơ sở khoa học, thông qua đánh giá rủi ro… để áp dụng bảo sức khỏe người dân, ông Ngô Xuân Nam cho hay.
Để đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường, xuất khẩu nông sản thuận lợi, các chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng không phải là khó. Điều đầu tiên doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức về thị trường.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khi muốn có sản phẩm cần thiết kế tạo ra sản phẩm đó, mà thiết kế ra sản phẩm đó chính là các quy trình kỹ thuật. Nếu sản xuất muốn bán sang Mỹ phải sản xuất theo quy trình này, còn muốn bán sang EU sản xuất theo quy trình kia. Đôi khi có trường hợp là vùng sản xuất theo tiêu chuẩn này nhưng lại bán sang thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khác nên sẽ xảy ra việc không đảm bảo yêu cầu.
“Nếu doanh nghiệp đặt trước, có cam kết, nông dân sẽ sản xuất đáp ứng theo yêu cầu. Doanh nghiệp và nông dân hợp tác cùng nhau hợp tác, chia sẻ hướng đến bền vững. Tương lai doanh nghiệp nào có vùng nguyên liệu, kiểm soát được vùng nguyên liệu sẽ có thị trường,” ông Lê Quốc Thanh cho hay.
Ông Ngô Xuân Nam cho rằng doanh nghiệp cũng cần lưu ý toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm phải chú ý đến vấn đề mối nguy của sản phẩm ở những khâu như nguyên liệu đầu vào, chế biến, đóng gói…. Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bên từ Trung ương đến địa phương, hợp tác xã, nông dân... để tổ chức sản xuất đúng yêu cầu thị trường. Đó là các hệ sinh thái, mỗi hệ sinh thái đều có một vai trò nhất định.
Đối với các sản phẩm trái cây, gia vị cần kiểm soát và sử dụng đúng quy định các hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quy trình sản xuất và chế biến như nguồn nguyên liệu, sơ chế, đóng gói, lưu trữ và vận chuyển…
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu.
Đối với các sản phẩm thủy sản, các đơn vị cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến…
Từ thành công trong xuất khẩu nhiều nông sản sang EU, Nhật Bản,…. ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ các sản phẩm trước khi xuất khẩu đều kiểm tra 5 lần. Không chỉ các sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp mà với các sản phẩm gia công cho các đơn vị khác, Ameii cũng đều hết sức cẩn trọng. Nếu có bất cứ thông tin bất lợi nào trong vấn đề kiểm soát doanh nghiệp sẽ dừng việc xuất hàng để kiểm tra kỹ lại lần cuối.
“Các doanh nghiệp cần nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát quy trình sản xuất của mình; kiểm soát từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến kiểm nghiệm sản phẩm,” ông Nguyễn Khắc Tiến khuyến cáo.
Việc nông sản Việt Nam còn bị cảnh báo của các thị trường, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng quy trình sản xuất chưa được điều chỉnh phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong kiểm dịch, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường xuất khẩu để tổ chức sản xuất, thu gom đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm cho hàng hóa. Đồng thời, hướng dẫn, đào tạo cho người lao động về quy trình sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm của mình.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, việc quản lý và kiểm soát nghiêm ngặt sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm để xuất khẩu cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo ở tất cả các khâu theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, doanh nghiệp giám sát tốt vùng sản xuất, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc phòng thử nghiệm được thị trường xuất khẩu chấp thuận trước khi đóng gói xuất khẩu.