Nhập khẩu thịt lợn tăng gây sức ép cho thị trường trong nước
Nhập ngoại có xu hướng tăng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 716.890 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, nhưng giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022; chủ yếu nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 57 thị trường trên thế giới. Trong các chủng loại thịt nhập khẩu, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm phần lớn và được nhập khẩu từ 30 thị trường, chủ yếu là Nga, chiếm 40,67% trong tổng lượng nhập khẩu của cả nước; tiếp theo là Brazil chiếm 35,43%; Đức chiếm 5,7%; Canađa chiếm 3,01%; Mỹ chiếm 2,54% và một số nước khác (Tây Ban Nha, Ba Lan…).
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 167.366 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh và 123.452 tấn phụ phẩm ăn được từ heo. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 114.123 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh và 69.316 tấn phụ phẩm ăn được từ lợn, trị giá 249,35 triệu USD, giảm 29,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với năm 2021. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 112,6 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh và 122,5 tấn phụ phẩm ăn được từ lợn, trị giá 279,77 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với năm 2022.
Thống kê nhập khẩu thịt lợn trong vài năm gần đây.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thịt các loại đạt hơn 447,2 nghìn tấn, trị giá hơn 860,9 triệu USD, tăng 33,6% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Riêng nhập khẩu thịt lợn trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 128,7 nghìn tấn, trị giá hơn 203 triệu USD.
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua 16 FTA đã được ký kết, trong đó, có các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTTP, EVFTA đang được áp dụng theo lộ trình giảm thuế như đã thỏa thuận; ngoài ra, nước ta cũng ký kết các hiệp định song phương với nhiều nước có nền chăn nuôi tiến tiến. Do vậy, việc sản phẩm chăn nuôi nói chung và sản phẩm thịt lợn nói riêng của nước ta sẽ gặp khó khăn hơn khi chúng ta buộc phải mở cửa cho thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ và Đức và sản phẩm nhập khẩu sẽ cạnh tranh mạnh với sản phẩm trong nước.
Thịt nhập khẩu xuất hiện tại nhiều siêu thị của nước ta.
Sức ép lên doanh nghiệp
Tại hội nghị thúc đẩy chăn nuôi lợn bền vững diễn ra ngày 14/8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco chia sẻ, hiện tại các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đang đẩy mạnh tăng đàn nhằm tận dụng giá lợn hơi thuận lợi. Điều này có thể tạo ra áp lực về nguồn cung tăng lên đối với giá cả trong những tháng cuối năm.
Do vậy, ông Tuế đề xuất nên hạn chế nhập khẩu thịt để giảm bớt sự tăng lên về nguồn cung. “Trong nước đã sản xuất được thì Nhà nước nên có hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu. Chúng ta chỉ nên cho phép nhập khẩu chính phẩm còn phụ phẩm thì không. Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu những sản phẩm có hạn sử dụng lâu dài, tránh nhập khẩu sản phẩm có hạn ngắn, giá rẻ, gây áp lực lên giá trong nước”, ông Tuế nêu rõ.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Nguyễn Văn Tuế cũng không khỏi lo ngại khi tương lai thuế nhập khẩu thịt lợn giảm xuống, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng lên. “Khi thịt giá rẻ của thể giới xâm nhập vào thị trường Việt Nam, bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải tái cơ cấu để nâng cao năng suất và chất lượng nhằm hạ giá thành nuôi. Hiện chúng tôi đã xây dựng hệ thống giống tốt với những con giống hạt nhân quy mô lớn, năng suất tương đương với các nước trên thế giới, được định hướng cung cấp cho các trang trại nội bộ và các hộ nuôi liên kết”, ông Tuế chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, lo lắng “Nếu không cẩn trọng, một vài năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu thịt lợn. Bởi năm 2027, thuế nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm từ 15% xuống còn 0%, chưa kể đến việc chúng ta vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn được lượng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch”.
Cần tối ưu hóa chi phí chăn nuôi
Tại Việt Nam, chi phí cho chăn nuôi vẫn còn cao so với thế giới, do chúng ta phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo Cục Chăn nuôi, nước ta hiện chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Để sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp mỗi năm, chúng ta phải nhập khẩu tới 65% nguyên liệu.
Trong bối cảnh nguồn cung con giống trong nước chưa đủ, Việt Nam vẫn cần nhập khẩu heo giống bố mẹ phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Đức Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, thị trường rất mở, nếu sản phẩm trong nước không cạnh tranh được về giá cả, chất lượng thì chắc chắn thịt lợn nhập khẩu sẽ tràn vào. Thậm chí, giá lợn hơi nhiều nước còn thấp hơn so với giá thịt đã xẻ và phân loại của Việt Nam. Do vậy, ông Trọng đề xuất, giải pháp trước mắt để tăng hiệu quả chăn nuôi đó là tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.
Không chỉ vậy, hiện Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn con giống nhập khẩu. Mặc dù những năm gần đây, việc nhập khẩu giống vật nuôi có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đáng kể. Một số heo giống có năng suất, chất lượng của thế giới như Landrace, Yorkshire, Duroc được nhập vào Việt Nam hàng năm để làm mới nguồn gen di truyền đàn heo nái trong nước, nâng cao năng suất, chất lượng. Hiện vẫn chưa có giống heo ngoại nào do nước ta chọn tạo cạnh tranh được với các giống nhập ngoại.
Để cải thiện điều này, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian tới, Cục sẽ triển khai các biện pháp phù hợp nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và dịch bệnh. Khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi lợn bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y cần rà soát lại các quy định của ngành để siết chặt việc nhập khẩu thịt. “Rà soát việc tổ chức lấy mẫu, đồng thời phải làm nghiêm việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thịt nhập khẩu”.
Cùng đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc nhập lậu gia súc, gia cầm không được kiểm soát chặt chẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến chăn nuôi trong nước khó phát triển. Do vậy, thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc buôn lậu gia súc, gia cầm và xem xét khởi tố một số vụ buôn lậu để tăng tính răn đe. Cùng với đó, cần thực hiện tốt các vấn đề giống, thức ăn, môi trường, kiểm soát dịch bệnh… với những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, hướng tới xuất khẩu.