Nhiệm vụ của ngành chăn nuôi những tháng cuối năm 2023
Ðánh giá kết quả 3 quý đầu năm
Nhận định về kết quả 9 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh: Cục Chăn nuôi và các đơn vị thuộc Khối chăn nuôi đã tích cực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Mặc dù chịu nhiều áp lực về giá thức ăn chăn nuôi, giá sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu, nhập lậu… nhưng đàn vật nuôi vẫn được duy trì ổn định; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi đã giảm (giá thức ăn chăn nuôi đã được điều chỉnh giảm 4 lần). So với cùng kỳ năm 2022, trừ đàn trâu giảm khoảng 1% (duy trì thường xuyên 2,2 triệu con) còn các loại vật nuôi khác đều có xu hướng tăng. Cụ thể, tổng đàn bò cả nước có 6,4 triệu con, đàn heo hơn 24,8 triệu con (không tính heo con theo mẹ), đàn gia cầm hơn 533 triệu con. Bên cạnh đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, 8 tháng đầu năm 2023, giá trị sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu đạt 324,8 triệu USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi giá trị sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu giảm 8,9%.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: tình trạng nhập lậu và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc; chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống có năng suất, chất lượng cao); liên kết, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị (từ trang trại đến bàn ăn) chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; kiểm soát an toàn sinh học, dịch bệnh, an toàn thực phẩm và quản lý môi trường chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
9 tháng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt.
Cùng đó, dù tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian qua tương đối nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, chưa bảo đảm công bằng về lợi ích giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị chăn nuôi, đặc biệt là lợi nhuận người chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng. Một số công tác triển khai còn chậm như: xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn quản lý ngành, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật số liệu, thông tin từ địa phương… Do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và tiến trình hội nhập quốc tế, cần được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ ở các cấp trong thời gian tới.
Nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023
Ðể đạt được mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm 2023, các đơn vị trong Khối chăn nuôi căn cứ chức năng, nhiệm vụ cần đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện đồng bộ, tích cực, trách nhiệm và hiệu quả một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:
Về công tác xây dựng văn bản
– Giao Cục Chăn nuôi phối hợp với Vụ Nông nghiệp – Văn phòng Chính phủ sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi và 5 Ðề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi.
– Ưu tiên tập trung nguồn lực để hoàn thiện trình Bộ xem xét, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi; Thông tư ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật được phép sử dụng trong sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; QCVN sửa đổi QCVN 01-183:2016/BNNPTNT; Chiến lược phát triển ngành ong; Hướng dẫn tạm thời về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến…
– Tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất.
Các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, khuyến nông, hợp tác quốc tế
– Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia rà soát tiến độ, nội dung nhiệm vụ năm 2023 và các năm trước, kịp thời xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Chú trọng các nhiệm vụ đề xuất bám sát thực tiễn, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, hiện đại để tập trung nguồn lực, nhân rộng mô hình cho các năm tiếp theo. Xây dựng các Chương trình khuyến nông chăn nuôi và rà soát, bổ sung các nhiệm vụ đến năm 2025 theo hướng chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn, VietGAP…
– Ðề nghị Cục Chăn nuôi phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường rà soát, nội dung các Tiêu chuẩn Việt Nam và Quy chuẩn Việt Nam đang triển khai và đề xuất các Tiêu chuẩn Việt Nam và Quy chuẩn Việt Nam xây dựng mới trong các năm tiếp theo phù hợp với quy định và yêu cầu quản lý, phát triển chăn nuôi.
– Tăng cường cơ hội hợp tác, đầu tư thông qua những dự án hợp tác quốc tế có vốn đầu tư lớn, có mục tiêu cụ thể, sản phẩm rõ ràng hoặc nguồn vốn đầu tư về trang thiết bị. Tăng cường thực hiện hiệu quả các dự án đang triển khai trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Mở rộng hợp tác với các quốc gia, khu vực có ngành chăn nuôi phát triển, thị trường tiềm năng.
Về giết mổ, chế biến và phân tích thị trường sản phẩm chăn nuôi
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp với Cục Chăn nuôi cập nhật và phân tích thị trường vật tư chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, tình hình phát triển đàn vật nuôi của cả nước và từng địa phương để xây dựng kế hoạch sản xuất chăn nuôi phù hợp với từng địa phương và nhu cầu thị trường.