Nhiều biện pháp chi phí chăn nuôi thời điểm 'bão giá'
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Sơn Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, thời gian qua, do tác động của Đại dịch COVID-19, ảnh hưởng của chiến sự Nga-Ukraine nơi có nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn trên thế giới. Bên cạnh đó thời tiết khí hậu, gía xăng dầu tăng cao làm chi phí vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi tăng ở mức quá cao (30%-40% so với cùng kỳ), đây là những khó khăn lớn đối với nông dân nói chung, người chăn nuôi nói riêng. Thực tế cho thấy, thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng rất cao trong chi phí sản xuất, do vậy, việc tìm ra những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn cho vật nuôi là điều hết sức cần thiết.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn cần phải tìm ra những giải pháp trọng tâm để thực hiện, nhằm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi. Trước hết là giảm chi phí chung đầu vào trong chăn nuôi (từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi…). Trong bối cảnh giá thức ăn đang tăng cao thì người chăn nuôi phải tính thực hiện đồng bộ tất cả các khâu nêu trên. Giống phải chọn ở những nơi uy tín, thực hiện tốt việc quản lý giống nếu không giống kém chất lượng sẽ tăng ngay chi phí đầu vào, hiệu quả thấp.
Trong thời điểm hiện tại có thể tính phương án loại thải những giống kém chất lượng, tăng trưởng sinh trưởng thấp. Về thức ăn chăn nuôi cần tiết kiệm chi phí, có thể sử dụng thức ăn tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các hộ chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ, chăn nuôi trâu bò cần tận dụng lợi thế các vùng đồi gò, các giống cây có thời gian ngắn ngày (ngô, cỏ các loại, cây họ đậu …) để vừa tận dụng thời gian vừa tận dụng lao động nông nhàn vùng nông thôn, góp phần làm tăng thu nhập. Bên cạnh đó tập trung phòng chống dich cho tốt để không bị thiệt hại do dịch bệnh, nhất làm một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đối với các hộ chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi của các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt hơn việc ký kết hợp đồng, hợp tác với các đơn vị trong nước, ngoài nước cung cấp thức ăn chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu đáp ứng yêu cầu thiết yếu hàng ngày. Đồng thời phối hợp tốt hơn với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, tạo mối quan hệ xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, đối với chăn nuôi bò thời điểm hiện nay đang có nhiều lợi thế về tận dụng thức ăn chăn nuôi, các phế phụ phẩm sẵn có trong nông nghiệp. Người nông dân nhất là vùng nông thôn, sử dùng nguồn lực này để phục vụ trồng các loại cây ngắn ngày; trồng cỏ các loại (VA06, cỏ voi, Mulato …), ngô ngắn ngày, cây họ đậu. Những loại cây này rất nhanh cho thu hoạch để giành cho nuôi trâu, bò thịt, bò sữa nhằm đáp ứng nguồn thức ăn, đồng thời giảm cho ăn thức ăn tinh, do hiện giá trên thị trường đang tăng cao.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nếu như trước đây việc sử dụng thức ăn công nghiệp đã trở thành thói quen, phổ biến thì nay trong bối cảnh này có thể kết hợp vừa cho ăn thức ăn công nghiệp vừa cho ăn thức ăn truyền thống.
Giải pháp tự phối trộn thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thời điểm này cũng là điều cần làm. Tuy nhiên việc tự phối trộn phải lưu ý về kỹ thuật khi phối trộn, kỹ thuật bảo quản để đảm bảo chất lượng thức ăn, đảm bảo sức tăng trọng cho con vật sau khi sử dụng. Trên thực tế nhiều hộ cũng chủ động làm tự phối trộn nhưng kỹ thuật phối trộn không bảo đảm, bảo quản không tốt, tổng hạch toán không những không giảm lại còn cao hơn chi phí bình thường khi sử dụng thức ăn công nghiệp.
Ngoài việc bổ sung vào thức ăn, người nuôi còn có thể bổ sung chế phẩm vi sinh vào nước uống, đệm lót phân chuồng và phun trong không gian chuồng nuôi khi có dịch bệnh để tăng khả năng hấp thu cho con vật, hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm.
Lấy mẫu giám sát dịch bệnh tại chợ Hà Vĩ.
Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng trong mọi trường hợp, mọi bối cảnh đều phải thực hiện tốt đó là chủ động phòng chống dịch bệnh. Nếu bệnh dịch xảy ra, người chăn nuôi không chỉ tốn kém kinh phí, thời gian chữa trị, mà trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Nguy hiểm hơn là sự tồn dư mầm bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm trong chuồng nuôi, làm bùng phát dịch bệnh không chỉ trọng hộ mà con lây lan ngoài cộng đồng, lúc đó thiệt hại kinh tế là rất lớn.
Vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng đối với các bệnh đã có vaccine phòng bệnh (Cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò …).
Đối với chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên ngành cần rà soát quy hoạch các vùng chăn nuôi, khu giết mổ tập trung trên địa bàn cho phù hợp, bám sát vào định hướng quy hoạch chăn nuôi của tỉnh, thành phố. Rà soát các vùng chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết có hiệu quả.
Tăng cường khuyến cáo các cơ sở sản xuất, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi vượt qua khó khăn trước mắt. Tăng cường kiểm tra xử lý chống hàng giả, gian lận thương mại, lợi dụng việc giá thức ăn chăn nuôi và các mặt hàng thiết yếu phục vụ chăn nuôi đang tăng cao, người chăn nuôi đang khó khăn để trả trộn hàng giả, hàng kém chất lượng.
"Những giải pháp trên đây thực hiện đồng bộ hiệu quả chắc chắn sẽ làm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi góp phần nâng cao năng xuất chăn nuôi."-ông Sơn cho hay.