Nhiều hình thức nuôi vịt biển lớn nhanh, thịt thơm ngon
Vịt biển 15 Đại Xuyên có thịt nạc dày, ít mỡ, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giống vịt này có thể nuôi đa dạng ở nhiều hình thức.
Giống vịt biển 15 Đại Xuyên có những ưu điểm nội trội như: Tốc độ tăng trọng nhanh, khả năng kháng bệnh cao; có thể nuôi với nhiều hình thức và nhiều địa điểm khác nhau; chất lượng thịt thơm ngon, thịt nạc dày, ít mỡ, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng...
Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học cho 10 hộ dân trên địa bàn xã Hải Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Qua theo dõi cho thấy các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu kỹ thuật đề ra.
Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 70% tiền giống và thức ăn hỗn hợp, chuyển giao tập huấn kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi, 10 mô hình nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học trong môi trường nước ngọt, với 5.300 con giống vịt biển 15 Đại Xuyên phát triển tốt, tăng trọng nhanh. Mô hình đang tỏ ra khá thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết, phương pháp chăn nuôi của người dân vùng đồng bằng và cho hiệu quả kinh tế cao.
Hộ gia đình ông Nguyễn Đức Trai ở thôn Văn Trị, xã Hải Phong (huyện Hải Lăng) là 1 trong 10 hộ ở xã tham gia mô hình. Được hỗ trợ 530 con giống, ông Trai tuân thủ tốt mọi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vịt của ông lớn nhanh, chỉ sau 2,5 tháng nuôi, trọng lượng vịt hơi bình quân đạt 2,75 kg/con, có con đạt trên 3 kg. Tốc độ tăng trọng của vịt biển nhanh hơn so với vịt lai bơ của nông dân đang nuôi hiện nay.
Khi vịt đạt trọng lượng xuất chuồng, ông Trai quyết định xuất bán với giá 110 - 130 ngàn đồng/con. Như vậy, chỉ sau 2,5 tháng nuôi, ông Trai thu về hơn 60 triệu đồng từ tiền nuôi thử 530 con vịt biển 15 Đại Xuyên. Trừ chi phí cho thức ăn và con giống, ông Trai lãi khoảng 9 triệu đồng, mức lợi nhuận này không nhỏ đối với chăn nuôi.
Giống vịt biển 15 Đại Xuyên ăn khỏe, sức đề kháng cao, có thể nuôi trên cạn, dưới nước và chịu nóng, lạnh tốt hơn rất nhiều so với vịt cỏ, vịt lai bơ.
Ông Trai cho biết, khả năng chăn nuôi vịt biển của gia đình ông còn có thể tăng đàn lên gấp 3 - 5 lần/lứa so với nuôi thí điểm. “Vịt biển 15 Đại Xuyên thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu của Quảng Trị. Giá bán cũng tốt, nhiều người ưa chuộng vì vịt có thịt dày, nạc nhiều, thơm ngon. Sau khi gặt xong lúa hè thu, vợ chồng tôi cũng rảnh rỗi nên thời gian tới chúng tôi có kế hoạch mở rộng quy mô để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập”, ông Trai cho biết.
Theo bà Trần Thị Lương, thôn Câu Hà (xã Hải Phong), một hộ khác tham gia nuôi vịt biển cho biết: Quá trình thả nuôi, đàn vịt thích ứng rất tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương. Nhờ giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu tiêm phòng đầy đủ nên đàn vịt nuôi của gia đình bà Lương phát triển tốt, không bị dịch bệnh và tăng trưởng nhanh.
Với thời gian sinh trưởng đến khi xuất bán là 10 tuần, đàn vịt của bà Lương đạt trọng lượng từ 2,5 đến hơn 3 kg/con. "Giống vịt này ăn khỏe, sức đề kháng cao, có thể nuôi trên cạn, dưới nước và chịu nóng, lạnh tốt hơn rất nhiều so với vịt cỏ, vịt lai bơ. Vịt biển cũng dễ chăm sóc và tỉ lệ sống đạt trên 95%. Sau khi bán, trừ các chi phí, cho tôi lãi ròng hơn 8,5 triệu đồng”, bà Lương vui vẻ chia sẻ.
Vịt biển 15 Đại Xuyên có thể nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt...
Việc triển khai mô hình nuôi vịt biển tại các xã vùng đồng bằng không chỉ cải thiện điều kiện kinh tế của người dân nơi đây, mà còn giúp phát huy các lợi thế, thế mạnh của từng địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Vịt biển thích nghi với nhiều điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các hộ dân chăn nuôi. Giống vịt biển có thể nuôi được trong điều kiện nước lợ, nước mặn, nước ngọt theo nhiều phương thức khác nhau như nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt. Ngoài ra, vịt biển 15 Đại Xuyên có khả năng kháng bệnh cao hơn, thịt nạc dày, ít mỡ nên phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, ông Trần Cẩn cho biết: Việc đưa giống vịt biển vào chăn nuôi là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân các địa phương. Thông qua mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu giống, thay đổi tập quán chăn nuôi vịt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra, đồng thời tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng nguồn thu nhập cho các hộ dân chăn nuôi vịt.
"Thời gian đến, Trung tâm tiếp tục tăng cường hướng dẫn cho nông dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, cũng như tạo ra sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", ông Cẩn cho biết.