Những trại bò vỗ béo lớn nhất Đông Nam bộ
Nuôi 1.000 con bò, chỉ cần 1 lao động
Về huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) những ngày giáp Tết Quý Mão, chúng tôi ngạc nhiên về sự đổi thay rất nhanh chóng ở vùng đất này, cảnh tượng thôn xóm gần như không còn nhận ra so với gần chục năm về trước. Các trục đường chính nối huyện Xuân Lộc với địa bàn các huyện xung quanh, nhiều tuyến đường nông thôn mới nơi đây được đầu tư xây dựng bài bản, chạy qua những trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn, được đầu tư hiện đại nối đuôi nhau.
Trang trại bò vỗ béo lớn nhất Đông Nam bộ.
Nằm cách trung tâm “cánh cửa thép” Xuân Lộc cả chục km, trang trại bò vỗ béo gần 2.000 con của ông Nguyễn Văn Ngọc, tọa lạc tại ấp Trung Hiếu, xã Xuân Trường là "đại bản doanh" nuôi bò vỗ béo được coi là lớn nhất khu vực Đông Nam bộ. Toàn bộ trang trại này được bao bọc bởi những tán rừng cao su xanh mướt, những vườn cây ăn trái sum suê, cùng những đồng cỏ tràn ngập một màu xanh non của sức sống mới trên “thủ phủ” chăn nuôi mới của Đồng Nai.
Chúng tôi ghé vào trại bò đúng lúc đội ngũ nhân công bắt đầu vào bữa ăn sáng cho đàn bò cả ngàn con. Trước mắt chúng tôi là những chú bò 3B, Brahman… lừng lững, với những bắp thịt, ụ mông vạm vỡ đang mải mê thưởng thức các món ăn được chế biến từ những phụ phẩm nông nghiệp gồm củ sắn, xoài, bã bia, bã đậu nành, cùng một ít cỏ tươi, thân cây bắp (ngô) đã lên men được dội xuống từ chiếc xe đa năng cho ăn tự động. Đồng thời, một nhóm công nhân lại đang tất bật ủ những mẻ thức ăn mới, chuẩn bị nguồn dinh dưỡng cho đàn bò.
Anh Nguyễn Chí Phương, quản lý trang trại bò chia sẻ về quy trình chăn nuôi bò công nghệ cao.
Anh Nguyễn Chí Phương, cán bộ quản lý trang trại bò hào hứng chia sẻ, toàn bộ trang trại được vận hành theo nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn, với triết lý “tận thu mọi thứ”, từ giọt nước tiểu cho đến phân, chất thải, phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác.
Chất thải từ trang trại đều được thu gom xử lý bằng men vi sinh để chăm bón cho 5ha cỏ và hỗ trợ cho các nhà vườn trong khu vực. Sau đó, các phế phụ phẩm như thân cây bắp, các loại trái cây dạt lại được trang trại thu mua về ủ làm thức ăn cho bò.
“Tinh thần làm việc những ngày giáp Tết ở trại bò vẫn “chạy” đều như những ngày trong năm vậy đó, vì đàn bò 2.000 con vẫn cần được theo dõi, chăm sóc sức khỏe theo lịch sinh hoạt đều đặn. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng cơ giới hóa và các công nghệ nên việc chăm sóc có phần đỡ vất vả hơn”.
Theo anh Phương, thông thường trong những ngày Tết hay đầu năm, mọi người thường chờ đợi xem các dòng tin nhắn, hình ảnh, lời chúc Tết cho nhau qua điện thoại, nhưng tại đây các anh cũng có một niềm vui mà lâu này đã trở thành “thói quen” rất thú vị, đó là thay nhau chia sẻ tình trạng sức khỏe của bò, từng khẩu phần ăn… Hình như những chú bò cũng cảm nhận được không khí rộn ràng của ngày xuân khiến tâm trạng vui vẻ hẳn, chúng ăn khỏe hơn mọi ngày…
Cơ giới hóa được áp dụng triệt để trong quá trình chăn nuôi, chăm sóc đàn bò.
Anh Nguyễn Chí Phương cho biết thêm, nhu cầu về công lao động ngày càng tăng cao, trong khi đó việc thuê nhân công rất khó khăn vì nguồn lao động tại địa phương thiếu, nhiều lúc không thuê được người. Để giải bài toán nhân công, cơ giới hóa được áp dụng triệt để trong quá trình chăn nuôi, chăm sóc đàn bò.
Từ quá trình thu gom phụ phế phẩm cho đến băm nhuyễn, phối trộn, cho ăn, thậm chí quá trình thu gom chất thải và xử lý chất thải đều có máy chuyên dụng thực hiện. Nếu như trước đây để chăm sóc 1.000 con bò cần ít nhất 10 lao động thường xuyên thì nay chỉ cần một người vận hành máy móc là có thể xử lý toàn bộ khối lượng công việc.
Theo kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo của anh Phương, bò được nuôi nhốt tập trung nên chuồng trại cần phải sạch sẽ, thoáng mát. Tất cả nguồn thức ăn cho bò đều được xay nhỏ, ủ lên men, sau đó cho bò ăn rất tốt. Khi đàn bò mua về thường dễ bị suy kiệt, ốm yếu nên cần có chế độ ăn đặc biệt. Đồng thời tiêm ngừa các bệnh thường gặp như lở mồm long móng, tụ huyết trùng và các ký sinh trùng khác trên đàn bò…
Những con bò vỗ béo được nuôi nhốt tập trung, chuồng trại rất sạch sẽ, thoáng mát.
Nếu được chăm sóc tốt thì chỉ sau 6 tháng nuôi, mỗi con bò đã đạt trọng lượng hơn 600 kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm mua về. Chính vì nhờ chăn nuôi bài bản, hiệu quả, giá bò hơi những năm gần đây ổn định (trên 80 ngàn/kg) nên công việc nuôi bò vỗ béo rất có lãi, quy mô chăn nuôi của trang trại cũng đang tiếp tục được mở rộng.
Bò thịt lên ngôi
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi heo, gà, chăn nuôi đại gia súc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngành chăn nuôi nhưng phát triển chăn nuôi bò đang được nhiều địa phương khuyến khích nhân rộng. Hiện tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh đạt hơn 87.000 con. Sản lượng thịt bò cung cấp ra thị trường đạt gần 4.000 tấn/năm. Trong đó, mô hình nuôi bò vỗ béo theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn.
Hầu hết các trang trại đã tận dụng tốt các phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho đại gia súc.
Mô hình chăn nuôi này chủ yếu tập trung tại huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Hầu hết các trang trại đã tận dụng tốt các phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho đại gia súc cung cấp cho các trang trại nuôi bò quy mô lớn, mang lại lợi nhuận cao, ổn định cho người chăn nuôi.
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc cho biết, địa phương có những vùng chuyên canh trồng bắp, trồng mì lớn nên dồi dào nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi... Ngoài ra, nuôi đại gia súc cho hiệu quả kinh tế tốt hơn so với phát triển trồng trọt. Thị trường tiêu thụ của thịt bò lại khá ổn định, tình hình dịch bệnh cũng không phức tạp như chăn nuôi heo, gà nên một số nông dân nuôi heo bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện đã chuyển sang nuôi bò.
Trong đó, nhiều nông dân nuôi bò thả đồng đã bỏ vốn lớn đầu tư chuồng trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, tận dụng nguồn phế phụ phẩm từ trồng trọt để sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Địa phương đang khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi bò tuần hoàn khép kín, nhất là sau khi dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng nặng nề đến chăn nuôi heo và dịch cúm gia cầm trên đàn gà.
Tất cả nguồn thức ăn cho bò đều được xay nhỏ, ủ lên men sau đó cho bò ăn rất tốt.
“Nuôi bò vỗ béo có hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với mô hình nuôi bò đẻ. Nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương đã chuyển hướng theo mô hình này vì nó phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Tổng đàn bò nuôi trên địa bàn huyện đạt gần 20 ngàn con, bình quân mỗi năm tăng hàng trăm con”, bà Hiệp thông tin.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện nay huyện Xuân Lộc hiện đã vượt qua cả huyện Thống Nhất để trở thành “thủ phủ” mới của chăn nuôi trong tỉnh. Ngành chăn nuôi của địa phương này đang phát triển theo hướng chăn nuôi hiện đại và mô hình công nghiệp quy mô lớn. Xuân Lộc cũng thu hút được nhiều dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao.
Những chiếc xe đang tiếp nhận bò sau khi vỗ béo để chở đi cung cấp cho các thị trường.
Để chắp cánh cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, huyện Xuân Lộc cũng đã xây dựng dự án “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” gắn với nông thôn mới đến năm 2025. Từ trại bò công nghệ cao, nơi có hàng ngàn chú bò vỗ béo đang được chăm sóc với quy trình khép kín, những chuyến xe chở theo nguồn bò thịt chất lượng vẫn đều đặn rời trang trại cung cấp cho các thị trường tiêu thụ, miệt mài chạy trên những con đường rợp bóng hoa lá mùa xuân…
“Đồng Nai chủ động gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ; ổn định về số lượng, tăng cường đổi mới công nghệ trong chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa và chăn nuôi nông hộ an toàn, bền vững với 3 loại vật nuôi chính là lợn, gà, bò thịt, phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ”, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết.