Nhụy hoa nghệ tây - loại gia vị 45 triệu đồng/kg - cạn kiệt, giá tăng vọt

Nhụy hoa nghệ tây - loại gia vị 45 triệu đồng/kg - cạn kiệt, giá tăng vọt
Theo tờ Financial Times, sản lượng nhụy hoa nghệ tây (saffron) của Iran năm nay giảm hơn 1/2 khiến giá loại gia vị đắt nhất thế giới này tăng vọt.

Theo tờ Financial Times, sản lượng nhụy hoa nghệ tây (saffron) năm nay ở Iran, nơi cung cấp hơn 90% mặt hàng này cho thế giới, dự kiến sẽ giảm hơn một nửa sản lượng năm 2022.

"Tổng sản lượng saffron dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 170 tấn, thấp hơn một nửa so với gần 400 tấn trong năm 2022", Ali Shariati-Moghaddam, giám đốc điều hành Novin Saffron, một nhà sản xuất và xuất khẩu saffron hàng đầu của Iran, cho biết.

Các nhà sản xuất và thương nhân đã cho rằng sản lượng saffron năm nay thấp là do biến đổi khí hậu và hạn hán. Theo Mojtaba Payam-Asgari, người đứng đầu sàn giao dịch saffron Torbat-e Jam, nhiệt độ cực thấp vào mùa đông năm ngoái sau đó là một mùa xuân rất khô và mùa hè nóng bức đã tàn phá cây trồng. Tình hình thậm chí còn trầm trọng hơn khi hàng nghìn giếng khoan dùng cho tưới tiêu đã cạn sạch nước.

Các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nữa do biến đổi khí hậu, vốn đang làm thay đổi hình thái thời tiết.

"Iran là nước dễ bị tổn thương hơn các nước khác trên thế giới, đặc biệt là ở các khu vực khô cằn và bán khô cằn, nơi thường được sử dụng để trồng hoa nghệ tây. Lượng mưa đang giảm mạnh, khiến nước bốc hơi và nhiệt độ tăng vọt", Mohammad Darvish, một nhà môi trường Iran, nói cho biết.

Giá saffron hiện đã tăng gấp đôi so với năm 2022, lên 1.400 USD/kg ở Iran và 1.800 USD/kg ở nước ngoài, theo các nhà cung cấp. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến đến hoạt động xuất khẩu saffron của Iran.

"Nhiều nhà buôn Trung Quốc đã bị sốc trước diễn biến giá cả tăng vọt trong năm nay và quyết định không mua nữa. Họ sẽ phải trả giá cao hơn nữa nếu quay lại mua hàng vì còn rất cánh đồng chưa thu hoạch và các kho giờ đã chả còn gì", ông Payam Asgari, làm việc tại sàn giao dịch Torbat-e Jam, cảnh báo.

Trung Quốc là đối tác xuất khẩu saffron lớn nhất của Iran, chiếm 45% tổng lượng xuất khẩu. Những nước nhập khẩu saffron lớn khác là nước Ả Rập, Tây Ban Nha và Italy, nơi saffron được sử dụng trong nhiều món ăn.