Nơi nông dân quyết trung thành với lúa nếp cái hoa vàng
Trung thành với giống lúa nếp bản địa
Nếp cái hoa vàng là giống lúa đặc trưng truyền thống nổi tiếng tại các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội…
Riêng tại Hải Phòng, bao đời nay, người dân một số xã ở huyện Tiên Lãng vẫn giữ được những hạt gạo trắng tròn, mẩy, thơm, chứa đựng những giọt mồ hôi và tâm sức của bao thế hệ gìn giữ giống lúa nguyên bản từ ngàn xưa cho hôm nay.
Cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng ở xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng vụ mùa 2023.
Cách đây gần 20 năm, chính tại cánh đồng xã Đại Thắng (huyện Tiên Lãng), cách canh tác của người dân từng được các đoàn khảo sát đánh giá là một trong những nơi sản xuất lạc hậu nhất ở miền Bắc do bà con nông dân chỉ muốn duy trì và gieo trồng giống lúa nếp cái hoa vàng truyền thống của địa phương.
Thời điểm ấy, dù năng suất lúa có lúc chỉ đạt 1 tạ/sào nhưng khi được các cơ quan chuyên môn đưa nhiều giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao hơn về địa phương khuyến khích gieo trồng thử nghiệm, người dân vẫn quyết tâm trung thành với giống lúa nếp cái hoa vàng của địa phương. Đặc biệt, từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, gạo nếp cái hoa vàng trên đất Đại Thắng được nâng lên tầm cao mới.
“Việc bán lúa nếp cái hoa vàng rất dễ, thương lái đến tận nơi để đặt mua, thậm chí từ lúc lúa còn xanh. Cứ gặt lên đầu bờ là chúng tôi bán được ngay. Năm nay, chúng tôi bán được giá tới 13.000/kg thóc tươi. Chắc chắn mùa tới chúng tôi vẫn tiếp tục cấy 100% lúa nếp cái hoa vàng và sẽ duy trì thường xuyên”, bà Phạm Thị Sơn, thôn Lãng Niên, xã Đại Thắng chia sẻ.
Hơn 90% người dân xã Đại Thắng trồng lúa nếp cái hoa vàng.
Nếp cái hoa vàng ở Đại Thắng có đặc trưng hạt tròn, màu trắng đục, dẻo, thơm khi nấu thành xôi hoặc làm bánh chưng. Trong các địa phương ở huyện Tiên Lãng trồng nếp cái hoa vàng, nếp trồng ở xã Đại Thắng cho chất lượng gạo thơm ngon nhất. Với người dân xã Đại Thắng, cấy lúa không chỉ là một nghề mà còn là nét văn hóa cần gìn giữ cho các thế hệ mai sau giống lúa đặc sản, để hương nếp tiếp tục bay xa, có thể xuất khẩu ra thị trường lớn.
Do có lợi thế đồng ruộng bằng phẳng và rộng, được sông Văn Úc và sông Mía bồi đắp phù sa quanh năm nên vùng đất nơi đây màu mỡ, phù hợp cho sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng. Đây là lý do để sản phẩm nếp cái hoa vàng Đại Thắng có sự khác biệt với sản phẩm được sản xuất từ những nơi khác. Và cũng vì lẽ đó mà từ nhiều năm nay, diện tích trồng nếp cái hoa vàng ở đây luôn ổn định.
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc HTX Đại Thắng cho biết, hiện nay địa phương đang có hơn 1.000 hộ trồng giống lúa nếp cái hoa vàng với tổng diện tích trên 282ha - tương đương hơn 90% diện tích đất nông nghiệp của xã, năng suất đạt trung bình khoảng 56 tạ/ha.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lúa nếp cái hoa vàng vốn lá thế mạnh của địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng hơn nữa gắn với sản xuất theo đúng quy trình VietGAP để nâng cao chuỗi giá trị từ giống lúa nếp này”, ông Ngọc khẳng định.
Lúa nếp cái hoa vàng ở xã Đại Thắng có đặc trưng hạt tròn, gạo màu trắng đục, dẻo và thơm.
Hiện nay, thu nhập bình quân 1 sào (360m2) nếp cái hoa vàng đạt khoảng 2,5 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất cao nên từ nhiều năm nay, cứ vào vụ mùa là bà con xã Đại Thắng lại lựa chọn giống lúa quý này để sản xuất. Sản phẩm phụ sau thu hoạch là rơm được một số hộ tích trữ để làm nấm sò quanh năm. Nấm sò trắng và sò tím được trồng bằng rơm lúa nếp hoa vàng vừa có năng suất cao, đặc biệt là chất lượng rất ngon, được tiêu thụ khắp cả vùng.
Khoa học kỹ thuật nâng tầm giống lúa đặc sản
Lúa nếp cái hoa vàng ở Đại Thắng có chiều cao khoảng 150 - 155cm, cây cứng, gốc và thân to, chống đổ tương đối tốt. Lúa có khả năng chịu phèn, chịu chua và trũng khá, chịu hạn cuối vụ tương đối tốt, chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, khô vằn nhưng hay bị nhiễm nặng sâu đục thân.
Lúa có thời gian sinh trưởng dài tới 160 ngày và chỉ thích hợp gieo cấy vào vụ mùa nên cần lựa chọn những hạt giống đảm bảo chất lượng, chắc mẩy, đồng nhất về kích cỡ, không bị lẫn giống khác hay lẫn hạt cỏ và tạp chất.
Sau gặt, đập, nông dân phơi thóc theo kỹ thuật sáng phơi, chiều ủ (phơi từ 11h sáng đến 2h chiều, sau đó ủ thóc từ 2 - 4h bằng cách cào gọn thành đống). Trong quá trình phơi thường xuyên đảo thóc. Phơi đủ số giờ nắng, thường phơi 5 nắng để hạt gạo trắng đều. Sau khi thóc đã được phơi khô, sẽ được quạt sạch hạt lép và đóng bao để bảo quản nơi khô ráo.
Vụ mùa 2023, lúa nếp cái hoa vàng được thương lái săn đón thu mua tại ruộng với giá 13.000 đồng/kg.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, nếp cái hoa vàng ở xã Đại Thắng được xác định là giống lúa bản địa, thuần Việt, đã có từ rất lâu đời, nằm trong danh mục nguồn gen cây trồng cần được bảo tồn ở nước ta. Phát triển giống lúa này, xã Đại Thắng và huyện Tiên Lãng đã tập trung nguồn lực để xây dựng cánh đồng lớn với quy trình sản xuất an toàn, hiện đại, giúp đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn ra những thị trường xa hơn.
Để hỗ trợ địa phương thực hiện mục tiêu đó, các nhà khoa học đã cùng chung sức triển khai nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, quy trình canh tác cho nếp cái hoa vàng đạt năng suất cao. Quy trình sản xuất từ quản lý vật tư đầu vào, kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều có sổ sách ghi chép, lưu trữ đầy đủ.
Ban đầu khi đưa biện pháp kỹ thuật mới vào áp dụng người dân vẫn còn dè dặt, chưa thực sự tin tưởng. Đơn cử như biện pháp bón lót, cấy lúa hiệu ứng hàng biên hay việc phòng trừ sâu bệnh phải thông qua quá trình điều tra thực tế trên đồng ruộng chứ không định kỳ phun thuốc như bà con vẫn làm.
Các nhà khoa học đã hoàn thiện quy trình sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP và chuyển giao cho người dân, qua đó từng bước nâng cao năng suất lúa, giúp người dân tăng thu nhập, có điều kiện để phát triển giống lúa đặc sản này.
Bà Phạm Thị Sơn, thôn Lãng Niên (xã Đại Thắng) cho biết, giống lúa này có từ rất lâu đời nên bà con đã quá hiểu về nó, vì vậy lúc đầu được hướng dẫn kỹ thuật mới người dân còn bán tín bán nghi, nhưng sau này khi áp dụng các quy trình canh tác theo các nhà khoa học hướng dẫn, năng suất lúa đã được cải thiện rõ rệt.
Về Đại Thắng vào vụ mùa, đâu đâu cũng gặp cảnh phơi nếp cái hoa vàng.
“Là giống lúa thuần, ngay đầu vụ cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn các kỹ thuật chọn giống tốt cùng với việc áp dụng những quy trình tiến tiến trong canh tác nên đã cho năng suất ổn định, đạt trên 1,8 tạ/sào. Người trồng nếp cái hoa vàng luôn có thu nhập cao hơn 2 - 3 lần so với các giống lúa nếp khác và cao hơn 4 lần so với lúa tẻ”.
Ông Mai Hoa Giang - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng chia sẻ, những năm gần đây, việc áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào sản xuất được người dân triển khai sâu rộng, từ khâu gieo cấy đến thu hoạch đều được người dân địa phương sử dụng thiết bị máy móc, qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, giảm sức lao động. Có những hộ cấy diện tích lên đến 5 mẫu nếp cái hoa vàng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.
Là giống lúa đặc sản, thơm ngon nên sản phẩm nếp cái hoa vàng ở xã Đại Thắng được người tiêu dùng săn đón. Ngoài thị trường Hải Phòng, gạo nếp cái hoa vàng còn được bán ra thị trường các tỉnh, thành khác như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Dương…
“Đây là giống lúa chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của xã. Đến nay, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng đã được TP Hải Phòng công nhận là đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ đưa thương hiệu nếp cái hoa vàng sánh vai với nhiều thương hiệu sản phẩm chất lượng trên cả nước, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến”, ông Giang bày tỏ.