Nông dân lãi gấp ba nhờ nuôi vịt, cá trên ruộng lúa
Sáng đầu tháng 5, ông Vương, 49 tuổi, chống xuồng thăm ruộng lúa xuống giống được một tháng. Xung quanh ruộng ông lên đê bao, đào rãnh thoát nước lớn để cá, vịt có chỗ trú ngụ. "Lúa bữa nay coi được được chứ 20 ngày sau sạ nhìn ghê lắm", người nông dân quê huyện Tam Nông nói. Ông nhìn nhận việc sạ lúa giảm 60% lượng giống so với trước, chỉ còn 8 kg cho 1.000 m2, ít bón phân, nên lúc đầu nhìn lúa còi cọc.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông, sạ dày lúc đầu nhìn đã con mắt song nặng phân bón, dễ nhiễm sâu bệnh vì lá ủ nhiều. Khi gieo thưa, ông thuận lợi nuôi thêm cá, vịt, chúng dễ di chuyển giữa các hàng lúa, ăn sâu rầy, ốc... Nhờ đó chủ ruộng không phun thuốc trừ sâu cả vụ. Ngoài ra, thửa ruộng của ông thu hút nhiều chim sâu, én mỗi buổi sáng. Quan sát kỹ, ông phát hiện cá, vịt bơi lội làm động cây lúa, sâu rầy bay lên, chim quan sát thấy nên tụ về kiếm ăn.
Mặt khác, lúa ít sương đọng buổi sáng, hứng nhiều ánh nắng xuống tận gốc nên ít bệnh. Vịt, cá thường xuyên sục sạo gốc làm rễ cây thoáng khí, dễ hấp thu dinh dưỡng, không bị ngộ độc hữu cơ, vàng lùn, lùn xoắn lá. Tận dụng nguồn phân thải từ cá, vịt bồi đắp dinh dưỡng cho đất, chủ ruộng giảm thêm 50% phân bón. Lúa phát triển tốt, bông nhiều, chắc hạt trong khi chi phí sản xuất thấp.
Theo tính toán của người đàn ông U50, chi phí trung bình một vụ lúa khoảng một triệu đồng mỗi công (1.000 m2) gồm 8 kg giống, 25 kg phân, 300 nghìn đồng chi phí làm đất, thu hoạch. Năng suất vụ Đông Xuân khoảng 7 tấn một ha, bằng hoặc cao hơn ruộng cạnh bên. Sau khi trừ đi chi phí ông lãi hai triệu đồng vụ Đông Xuân, gần một triệu đồng vụ Hè Thu, tăng 40% so với trước.
Cá trê vàng ông Vương nuôi để diệt sâu rầy trên lúa, sau đó bán con có kích cỡ lớn.
Ngoài nguồn thu từ lúa, cứ 6 tháng ông xuất bán cá, vịt. Với diện tích 10 ha, ông thả 1.500 con vịt sau 2,5 tháng nuôi lãi 20 triệu đồng. Vịt lúc nhỏ ăn sâu rầy, khi lớn ăn lúa rơi trên đồng sau thu hoạch, chỉ tốn một lượng nhỏ thức ăn viên. Vịt thả rông, giá 30-50 nghìn đồng một kg, cao giá hơn vịt công nghiệp.
Riêng nuôi cá, ông Vương chọn cá lóc, cá sặc rằng, cá trê vì giá trị kinh tế cao, giá ổn định. Tận dụng ba tháng mùa nước nổi, ông thả thính dụ thêm cá bên ngoài vào ruộng để nuôi. Lũ càng lớn cá vào càng nhiều, thức ăn tự nhiên trên đồng dồi dào nên cá lớn nhanh. Khi chuẩn bị xuống giống lúa, ông trữ cá trong hai ao sau nhà diện tích khoảng một ha, bắt đầu bán dần cá có kích cỡ lớn.
Số cá nhỏ ông tiếp tục cho ra đồng ăn sâu rầy vụ lúa tiếp theo và bán dần sau đó. Nhờ ưu thế có đầu ra mỗi ngày, giá bán cao và ổn định, ông thu nhập từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng một ngày. Tổng nguồn thu từ cá khoảng 150-200 triệu đồng, lãi trên 80% vì phần lớn thức ăn từ thiên nhiên. Lợi nhuận từ lúa, cá vịt cao gấp 3-4 lần so với chỉ trồng lúa.
Ông Vương vốn không đam mê làm ruộng. Ngày trẻ ông cùng vợ nuôi vịt chạy đồng khắp các tỉnh miền Tây. Sau 20 năm bôn ba, vịt nuôi càng lúc càng khó, vốn thâm hụt, nợ ngày một nhiều. Ông bàn với vợ về quê bám ruộng, làm lúa hai vụ. Khi đó 3 ha ruộng sau nhà, mỗi vụ ông lời chừng 40 triệu đồng, đủ xoay xở 7 miệng ăn. Riêng ba tháng lũ, ông cùng vợ đi thả dớn, đắp đổi qua ngày. Những năm gần đây lũ ít, nguồn thu gia đình đông con gần như cạn kiệt.
Nhờ trồng lúa kết hợp nuôi cá, vịt ông Vương có thu nhập cao hơn 3-4 lần.
Cách đây hai năm, ông được chọn tham gia dự án tăng khả năng sinh kế bền vững cho nông dân do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Từ kinh nghiệm nuôi vịt chạy đồng, ông đề xuất mô hình hai vụ lúa kết hợp nuôi cá, vịt, quyết định thuê thêm 7 ha đất liền kề để mở rộng diện tích. Khi dự án kết thúc, không được hỗ trợ con giống song ông Vương tự tin tiếp tục duy trì mô hình. Sắp tới, khi được một đơn vị thu mua lúa sạch với giá cao ông định rủ thêm hàng xóm liên kết sản xuất, nhân rộng cách làm.
Dự án trên được Ngân hàng Thế giới tài trợ ở 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng Đồng Tháp đã triển khai 12 mô hình trồng xen, nuôi xen (lúa-cá, lúa-tôm, lúa-vịt...) với diện tích 115 ha, thực hiện trong hai năm gần đây.
Ông Lưu Văn Tiến, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, cho biết mô hình hai vụ lúa một vụ cá, vịt được đánh giá cao vì tính hiệu quả, bền vững trong bối cảnh miền Tây không còn lũ như trước. Qua đó, nông dân chủ động trữ lũ trong đồng ruộng để chăn nuôi thay cho đánh bắt ngoài thiên nhiên hoặc canh tác lúa vụ ba.