'Nông nghiệp là ngành tiên phong trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế'
Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V và Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và PTNT được tổ chức trọng thể vào sáng nay (14/11), tại Hà Nội.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đánh giá: Nông nghiệp là ngành tiên phong trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế với việc đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tổ chức lại các ngành trong chuỗi giá trị, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đã theo xu hướng gắn kết chuỗi giá trị trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương phong trào thi đua yêu nước của ngành Nông nghiệp và PTNT cùng bà con nông dân cả nước.
5 năm qua, ngành NN-PTNT đã đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho hơn 1.600 tập thể, cá nhân và khen thưởng cấp Bộ cho hơn 1.400 tập thể, cá nhân.
Đặc biệt trong đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã tích cực và chủ động tham gia công tác phòng, chống nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhiệt liệt chúc mừng những thành tích to lớn đã đạt được và biểu dương phong trào thi đua yêu nước của ngành Nông nghiệp và PTNT cùng bà con nông dân cả nước đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần làm nên những thành tự chung của đất nước.
Bà cũng chia sẻ, hôm qua (13/11), Chủ tịch nước đã ký phong tặng 41 tập thể, cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Trong đó riêng ngành nông nghiệp có nhiều tập thể, cá nhân và có 6 huyện NTM cũng nằm trong danh sách đề nghị và đã được ký tặng danh hiệu Anh hùng lao động, như các huyện Châu Thành A (Hậu Giang), huyện Kim Bảng (Hà Nam); Hoài Nhơn (Bình Định), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Việt Yên (Bắc Giang) và Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chính thức phát động phòng trào Thi đua yêu nước ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025
Bộ trưởng Cường đề nghị toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, biến khó khăn thành cơ hội.
Thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong những năm qua đã luôn giành sự quan tâm tới ngành Nông nghiệp và PTNT.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chính thức phát động phòng trào Thi đua yêu nước ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021-2025, xin hứa với Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ đưa toàn ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển thịnh vượng, nông dân giàu mạnh…, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất".
Bộ trưởng đề nghị toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, biến khó khăn thành cơ hội thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân, giúp lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong toàn thể ngành Nông nghiệp và PTNT.
Đề nghị Hội đồng thi đua khen thường Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp, cơ quan, đơn vị bám sát yêu cầu chính trị của Bộ, của ngành Nông nghiệp và PTNT phát động các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, thiết thực, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến nhằm tạo động lực, sức mạnh mới cho toàn ngành…
Sơn La sẽ trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu nông sản
Ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La chia sẻ: Thực hiện đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Sơn La ban hành 6 chính sách và 15 đề án để hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, trong đó có các nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods; Công ty DOVECO, Tập đoàn TH, Tập đoàn IC Food Hàn Quốc…
Ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La: Tỉnh đã ban hành 6 chính sách và 15 đề án để hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Đến tháng 6/2020, toàn tỉnh Sơn La có 144 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản thủy sản an toàn. Toàn tỉnh đã được cấp 161 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu trong đó: Có 51 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường khó tính (Úc, Mỹ,...), gồm các sản phẩm: nhãn, xoài, mận, bơ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Công chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La còn có những khó khăn, thách thức.
Vì vậy, Nhà nước cần có các giải pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất và chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát biểu tham luận tại Đại hội, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2020 là sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là mốc đánh dấu bước phát triển mới của công tác thi đua, khen thưởng tại Học viện trên cơ sở tiếp nối, phát huy truyền thống hơn 64 năm xây dựng, phát triển.
Một trong những hoạt động góp phần trong phong trào thi đua yêu nước của Học viện được trình bày trong tham luận là công tác Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Học viện coi chất lượng đào tạo và đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết: Giai đoạn 2010-2020, công tác đào tạo của Học viện đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô tuyển sinh, số lượng sinh viên tăng hàng năm và chất lượng đào tạo được nâng cao. Tổng số sinh viên tốt nghiệp trong 10 năm trở lại đây là 42.570 sinh viên (>4000 sinh viên/năm). Tỉ lệ sinh viên có việc làm 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt 93%.
Học viện coi chất lượng đào tạo và đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá. Kết quả về đào tạo nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho ngành nông nghiệp và cho đất nước đã có nhiều thành tựu được ghi nhận, đó là một phần kết quả chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam quyết tâm phát huy những thành tích đạt được, nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, ra sức phấn đấu, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển Học viện, góp phần cho sự phát triển của ngành và đất nước về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
"Năm 2020, có gần 12.000 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp"
Thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT đọc báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng ngành giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ: “Phong trào thi đua luôn được đẩy mạnh suốt 5 năm qua, từ đó khuyến khích, động viên mọi cá nhân, tập thể trong ngành khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao”.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đến năm 2020, chúng ta đã hoàn thành vượt kế hoạch Xây dựng nông thôn mới 2 năm theo mục tiêu Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động, kịp thời phát động phong trào thi đua trọng tâm, phạm vi trực tiếp tác động, bao trùm các lĩnh vực hoạt động của ngành là Phong trào thi đua: “Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức thực hiện Tái cơ cấu ngành, Xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2014 - 2015 và đến năm 2020.
Đến năm 2020, chúng ta đã hoàn thành vượt kế hoạch Xây dựng nông thôn mới 2 năm theo mục tiêu Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Từ việc triển khai thực hiện phong trào thi đua đã góp phần đạt được những kết quả quan trọng như số lượng doanh nghiệp. Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp tăng nhanh, ước tính hết năm 2020 với tổng số trên 52.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 9% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có gần 12.000 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá tra; thứ hai thế giới về cà phê; thứ 3 thế giới về gạo, tôm; thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 15 thế giới.
Chúng ta đã tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi toàn ngành cần tiếp tục tập trung thực hiện 2 chương trình lớn là Cơ cấu lại nền nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại sự kiện đặc biệt quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực nông nghiệp. Điều này được minh chứng là chỉ sau 2 tháng “Tuyên ngôn độc lập”, ngày 14/11/1945, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh:
“Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp… muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao để điều hành, chăm lo chỉ đạo phát triển các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, ngư nghiệp và hợp tác xã”.
Tư lệnh ngành Nông nghiệp và PTNT cũng chia sẻ: “Dù dưới hình thức nào, trong suốt 75 năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã luôn nỗ lực, đoàn kết để vượt qua khó khăn, thử thách; chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Từ một nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới.
Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020,” sản lượng lúa của cả nước tăng từ 39,2 triệu tấn (năm 2009) lên 43,4 triệu tấn (năm 2019), tăng 12,2%, sản lượng rau các loại tăng 80,5%, trái cây tăng 50%.
Bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và với thế mạnh nông nghiệp, Việt Nam có ưu thế đảm bảo an ninh lương thực hơn phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á, và có vai trò ngày càng tăng trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác.
Nhiều lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á…
Theo Bộ trưởng Cường, năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam đứng số 1 khu vực Đông Nam Á…
Một số sản phẩm chăn nuôi đã khẳng định được giá trị thương hiệu và xuất khẩu thành công như: Thịt gia cầm, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,5 triệu nông hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ngành Thuỷ sản đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Quy mô của ngành ngày càng mở rộng và vai trò của ngành cũng tăng lên không ngừng trong nền kinh tế quốc dân.
Đến năm 2019, ngành Thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD đã đưa Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu.
Theo đó, sản lượng thủy sản năm 2019 đạt hơn 8,4 triệu tấn (gấp 6 lần so với giai đoạn năm 1995), nuôi trồng thủy sản đạt hơn 3,9 triệu tấn (gấp gần 4 lần so với năm 1995). Đến năm 2019, ngành Thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD đã đưa Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thuỷ sản (sau Na Uy, Trung Quốc và Nga).
Từ một nước chỉ còn khoảng 20% hệ số che phủ rừng, tới nay đã khôi phục đạt gần 42%. Đặc biệt, đã hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 12 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta đạt khoảng 12 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.
Bên cạnh những kết quả to lớn đáng trân trọng đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, “ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao trùm”.
Thứ nhất, Việt Nam chủ yếu vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ. Đây là nút thắt, nếu càng hội nhập sâu rộng thì sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ càng khó cạnh tranh. Ngoài ra, để phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân thì sản xuất nhỏ lẻ cũng rất khó kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành…
Thứ hai, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế, xã hội trong đó những vùng trọng yếu về sản xuất nông nghiệp, nông thôn chịu tổn thương lớn nhất, đặc biệt là ĐBSCL, vùng ven biển và đồng bằng sông Hồng.
Ba là, chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), 2 Nghị định với châu Âu và triển khai thực hiện tích cực CPTPP. Tuy hội nhập mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức với các quy định khắt khe của các quốc gia trên thế giới cũng như chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt về thương mại nông sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá hội nhập mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi toàn ngành cần tiếp tục tập trung thực hiện 2 chương trình lớn là Cơ cấu lại nền nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực; nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản…
Cũng theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ rất nặng nề, toàn ngành Nông nghiệp và PTNT nguyện tiếp tục phát huy các truyền thống tốt đẹp, nỗ lực phấn đầu cùng với bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp làm cho nông nghiệp, nông thôn nước ta ngày càng phát triển, góp phần xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường có mặt tại Đại hội.
Đúng ngày này cách đây 75 năm - ngày 14/11/1945, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã ra Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày nay. Kể từ đó, ngày 14/11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam”.
Năm nay, Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam được tổ chức đúng vào dịp cả nước đang nỗ lực thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp thành công tốt đẹp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tham dự lễ Kỷ niệm và Đại hội Thi đua có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng hơn 500 đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc từ các phong trào thi đua do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động trong 5 năm qua.
Một tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội.
Vì nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn khắc sâu trong tim mỗi người.
Với tinh thần “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, các phong trào thi đua luôn được đẩy mạnh suốt 5 năm qua nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để toàn ngành vượt qua những khó khăn, thách thức, duy trì được đà tăng trưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước nhà.
Giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai có hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ, then chốt cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của toàn nền kinh tế.
Trong 5 năm (2016-2020), tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt từ 2,8-3%, đây là tốc độ cao trên thế giới.
Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô sản xuất nông sản của nước ta ngày một lớn mạnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dung của 100 triệu dân trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; trở thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.
Nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2020, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản dự kiến đạt khoảng 41 tỷ USD.
Một số nông sản lớn, chủ lực như: thủy sản, rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản... đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khâu đi đến gần 200 thị trường trên thế giới, bao gồm cả những thị trường yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, như: Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới; trong đó, có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và 5 mặt hàng (trái cây, hạt điều, gạo; tôm; đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Năm 2019, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 39,3 triệu đồng/người, năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người, tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh còn 4,29% năm 2020.