Nông sản thực phẩm chất lượng cao là xu thế tất yếu của người tiêu dùng

Nông sản thực phẩm chất lượng cao là xu thế tất yếu của người tiêu dùng

“Đối với nông sản thực phẩm chất lượng cao là một đề tài đòi hỏi trách nhiệm chung của các cấp bộ ngành quản lý và kể cả từng người tiêu dùng. Chúng ta đang hướng tới văn minh tiêu dùng trong thực phẩm...

Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà sản xuất, nhà phân phối trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm được đưa ra tại diễn đàn “Kết nối cung cầu Nông sản Thực phẩm Việt chất lượng cao” được tổ chức bởi Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 20/12.

Người tiêu dùng thông minh quyết định sản xuất...

Diễn đàn lần này nhằm giới thiệu quảng bá các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản thực phẩm chất lượng cao, có ứng dụng công nghệ và thương mại hóa hiệu quả; kết nối mua bán, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận cùng hàng loạt nhà phân phối trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thực phẩm chất lượng cao trên thị trường trong nước, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm - Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong bối cảnh năm 2018 ngành nông nghiệp chịu nhiều thách thức như thiên tai, biến đổi khí hậu, thương mại tự do… tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2018 dự kiến cán đích 40 tỷ USD (năm 2017 đạt 36,23 tỷ USD), vượt chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành Nông nghiệp. Mặt khác, sản phẩm nông sản của VN đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế, cũng như việc chinh phục thị trường trong nước với 97 triệu dân, để đạt được những kết quả đó là sự nỗ lực của cả ngành nông nghiệp cũng như các địa phương, các ngành, doanh nghiệp và bà con nông dân.

“Đối với nông sản thực phẩm chất lượng cao là một đề tài đòi hỏi trách nhiệm chung của các cấp bộ ngành quản lý và kể cả từng người tiêu dùng. Chúng ta đang hướng tới văn minh tiêu dùng trong thực phẩm, xã hội ngày càng đòi hỏi thực phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, minh bạch ATTP, đòi hỏi về đổi mới phương thức cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng và yêu cầu xuyên suốt của bất cứ một sản phẩm nào, đó là chất lượng sản phẩm nông sản.

Hiện nay, VN có gần 1.000 hệ thống chợ truyền thống loại 1, hơn 300 siêu thị, 1.096 chuỗi, 1.426 sản phẩm và 3.174 điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản thực phẩm an toàn. Nếu chúng ta không lựa chọn tiêu dùng thông minh thì sẽ không hình thành một văn hóa kinh doanh thông minh. Người tiêu dùng thông minh chính là thị trường thông minh, từ đó sẽ quyết định người sản xuất thông minh. Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, đây là điều xuyên suốt trong chuỗi cung ứng, cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của chuỗi siêu thị”.

Nông sản thực phẩm sạch

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm - Thủy sản (Bộ NN-PTNT)

Nông sản thực phẩm sạch

Ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM

Để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm tại thị trường TP.HCM, ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, hiện nay, TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận cho 187 cơ sở tham gia chuỗi sản xuất an toàn cũng như tiếp tục thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc đối với thịt, trứng, rau. Bên cạnh đó, TP.HCM đã triển khai 10 chợ phiên an toàn. “Tiêu chí để các đơn vị, doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm vào các chợ phiên này phải đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGap và tiêu chuẩn về ATTP. Doanh số đạt được của 10 chợ phiên là hơn 15 tỷ đồng/năm”, ông Trung chia sẻ.

Quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng là 'Thực phẩm sạch- An toàn'

Bà Lê Việt Nga, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, vấn đề thực phẩm sạch và an toàn đang là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng hiện nay. Thực tế cho thấy, khi thu nhập tăng lên, NTD sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm, đồng thời cũng quan hơn đến giá trị mà nó mang lại đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm, đồ uống có lợi cho sức khỏe. Vì thế, việc quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng ATVSTP.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, xu hướng chi tiêu của NTD trong thời gian tới dành tập trung ở thực phẩm tươi sống như thịt trắng, sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm giàu dinh dưỡng, trái cây và các mặt hàng tiêu dùng nhanh. Chợ truyền thống vẫn là kênh mua sắm chính, tuy nhiên kênh siêu thị mini và các đại siêu thị sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Vì vậy, ông Hoàng cũng đưa ra những kiến nghị đối với nhà sản xuất, nông dân và doanh nghiệp cần chú ý nhãn mác rõ ràng, cung cấp tuyên truyền các lợi ích sức khỏe từ sản phẩm cho NTD; đa dạng các loại trái cây, rau củ và thịt trắng, cũng như cung cấp đa dạng các sản phẩm đã qua sơ chế nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi, đầu tư vào các mô hình mua sắm tiện lợi (như siêu thị nhỏ, giao hàng nhanh, dịch vụ đặt hàng trọn gói…).

Nông sản thực phẩm sạch

Các diễn giả tham gia thảo luận

Ông Nguyễn Đình Tùng, giám đốc Công ty Vina T& T thì cho rằng, nông sản Việt hiện nay vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch còn yếu, bên cạnh đó thông tin về thị trường phát triển nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm thường mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nước ngoài. Vì thế, cần xây dựng các HTX nhằm liên kết nông dân với nhau cũng như liên kết giữa nông dân với các nhà doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, VN chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông sản thô, chưa qua chế biến, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của thị trường nhập khẩu để hướng dẫn, phối hợp với người nông dân tạo sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn xuất đi nhiều nước.