Nuôi bò vỗ béo ít dịch bệnh lại có thu nhập cao
Nhiều năm qua, mô hình nuôi bò vỗ béo phát triển rất mạnh ở tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, điển hình như các huyện như Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ. Chăn nuôi bò được xem là thế mạnh của các địa phương này với nhiều hộ gia đình có số lượng đàn bò tương đối lớn và tăng trưởng đều qua các năm.
Tại huyện Nghĩa Hành, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, đến thời điểm này, trên địa bàn có khoảng hơn 200 hộ gia đình áp dụng mô hình nuôi bò vỗ béo. Trung bình mỗi hộ đều duy trì đàn bò với số lượng từ 15 – 20 con, hộ nuôi nhiều từ 40 – 60 con với giống bò chủ yếu là bò siêu thịt BBB.
Ông Nguyễn Lan trú thôn Đại An Đông 2, xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành) đã có gần 10 năm kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo. Với mô hình này, bò giống được ông Lan mua về khi đạt độ tuổi từ 3 đến 5 tháng, trọng lượng khoảng trên dưới 200kg/con. Hiện nay, giá bán mỗi con bò giống dao động từ 20 đến 25 triệu đồng.
Sau khi mua giống, bò được thả trong khu chuồng nuôi với diện tích 6m2/con, bò được nuôi bằng các lại thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp như bã bia, xác đậu tương, cỏ voi, rơm rạ, cám tổng hợp… Việc chỉ nuôi trong chuồng, không chăn thả giúp hạn chế rất lớn được công lao động. Do đó, chỉ 1 mình ông Lan đảm trách được việc chăm sóc đàn bò 14 con của gia đình.
“Nếu nhanh thì khoảng 10 tháng, chậm hơn thì 12 tháng, mỗi con bò nhà tôi sẽ đạt trọng lượng từ 550 đến 600kg và có thể xuất bán. Với giá bò hiện nay là 90.000 đồng/kg, thì sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng lãi được khoảng 70 triệu đồng. Có năm nếu chăm sóc tốt, bò đạt trọng lượng lớn, giá thức ăn chăn nuôi không tăng thì có thể lãi đến 100 triệu đồng”, ông Lan chia sẻ.
Theo các hộ chăn nuôi theo mô hình nuôi bò vỗ béo, thì hình thức này ngoài chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, mỗi con bò giống có giá hàng chục triệu đồng thì kỹ thuật nuôi cũng không khó. Chỉ cần người nuôi chịu khó thường xuyên theo dõi, chăm sóc, cho bò ăn đủ các chất dinh dưỡng và phòng trị bệnh kịp thời. Do đó, khả năng rủi ro là rất thấp.
Như hộ gia đình ông Trần Văn Trúc (trú thôn An Phú, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành) hiện nay đang duy trì số lượng đàn bò với 40 con. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán khoảng 15 con với giá mỗi con từ 50 – 60 triệu đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình ông lãi khoảng 300.000 triệu đồng.
Nuôi bò vỗ béo ít rủi ro, hạn chế được dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trúc cho biết, nuôi bò vỗ béo điều quan trọng đầu tiên là khâu chọn giống. Nếu chọn được con giống tốt thì bò có sức khỏe, lớn nhanh và đạt trọng lượng lớn kéo theo giá bán cao. Bên cạnh đó, phải tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho bò và vệ sinh, khử trùng chuồng trại thường xuyên để xử lý mầm bệnh.
“Đã chăn nuôi thì phải chú trọng đến tiêm phòng. Ngay cả những vacxin mà ở địa phương chưa có thì cũng phải tìm mua về tiêm cho đàn bò của gia đình và tiêm theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y. Đối với xử lý mầm bệnh, cứ 1 tuần tôi lại phun sát trùng 1 lần và thay đổi thuốc sát trùng liên tục. Bên cạnh đó, chuồng trại mỗi ngày cũng phải rửa dọn 2 lần để đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ”, ông Trúc nói.
Cũng theo ông Trúc, để chăn nuôi đạt hiệu quả, ông cũng thường xuyên tra cứu, tìm học hỏi trên mạng xã hội để tạo ra chế phẩm men sinh học IMO gốc trộn vào thức ăn cho bò vỗ béo. Nhờ vậy, trong những thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, thức ăn gia súc tăng cao, việc sử dụng men sinh học IMO giúp giảm thức ăn tinh, tiết kiệm được chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nghĩa Hành cho biết, tại địa phương hiện nay, mô hình nuôi bò vỗ béo cho thấy rất hiệu quả bởi ít rủi ro, giá cả cũng như đầu ra tương đối ổn định, khuyến khích nhân rộng hơn nữa.
“Với những hộ dân muốn thực hiện mô hình thì mỗi năm, chúng tôi đều có 2 đợt thực hiện chương trình nhịp cầu nhà nông tổ chức tại 12 xã thị trấn trên địa bàn để hướng dẫn cho bà con, người dân hỏi gì chúng tôi sẽ trả lời và cầm tay chỉ việc luôn. Tuy nhiên, huyện đang có định hướng là hình thành ở mỗi vùng những khu chăn nuôi tập trung. Như thế sẽ kiểm soát được dịch bệnh cũng như xử lý tốt được môi trường, hạn chế vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi”, ông Ngọc nói.