Nuôi bò vỗ béo, lãi 5,2 triệu đồng/con sau 3 tháng

Nuôi bò vỗ béo, lãi 5,2 triệu đồng/con sau 3 tháng
Nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình trồng ngô sinh khối kết hợp với vỗ béo bò thịt tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ.

30 hộ dân tham gia mô hình trồng 3ha ngô sinh khối và nuôi 125 con bò (bò đực 3B và lai 3B không sử dụng để sinh sản, không sử dụng để khai thác sữa, cày kéo). Bà con được hỗ trợ giống ngô, sau khi thu hoạch, ngô được chế biến thành thức ăn tươi và ủ chua để dự trữ cho bò trong thời gian vỗ béo.

Mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ 2,1kg thức ăn tinh/con/ngày. Theo ông Hoàng Công Hợp, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phụ trách mô hình cho hay, hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò 3B áp dụng quy trình vỗ béo tăng 13,3% so với chăn nuôi bò sinh sản truyền thống.

Nuôi bò vỗ béo

Mô hình vỗ béo bò thịt giúp nông dân xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ nâng cao thu nhập và là tiền đề để hình thành các hợp tác xã sản xuất sau này.

Thức ăn dùng vỗ béo bò gồm thức ăn tinh, thức ăn thô, ưu tiên các loại thức ăn sẵn có tại địa phương. Trong đó, thức ăn thô xanh đóng vai trò là chất choán và tránh các bệnh ở bò vỗ béo (chướng hơi, acidosis…) do ăn nhiều thức ăn hạt.

Thức ăn để vỗ béo cho bò là cỏ khô, rơm khô, cỏ ủ chua, thức ăn xanh, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩn công nghiệp (bã bia, bã rượu, rỉ mật, bã đậu). Thức ăn thô xanh chiếm 10% trọng lượng cơ thể bò.

Thức ăn tinh chiếm khoảng 1% khối lượng cơ thể bò. 1 chú bò trưởng thành cho ăn khoảng 25 - 30kg thức ăn thô, xanh và 3kg thức ăn tinh/con/ngày.

Các nhóm thức ăn gồm: Cung cấp năng lượng (hạt ngũ cốc, cám gạo…); Cung cấp protein (khô dầu lạc, khô dầu đậu tương, hạt bông, khô dầu dừa…); Muối khoáng và vitamin (bột xương, muối ăn).

Nuôi bò vỗ béo

Mô hình nuôi bò vỗ béo được nông dân xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ nhân rộng.

Phương thức vỗ béo: Nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn tự do theo nhu cầu. Theo dõi số lượng thức ăn hàng ngày để bổ sung và điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời. Xác định khối lượng bò trước và sau khi vỗ béo.

Vệ sinh thú y gồm các công đoạn: Tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi trước, trong và sau khi vỗ béo. Thường xuyên theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời cho bò trong thời gian vỗ béo, đặc biệt các bệnh về đường tiêu hóa.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, bò được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh một cách hợp lý nên bò có khả năng tăng trọng nhanh, bình quân đạt 760 - 1.312g/con/ngày, vượt so với yêu cầu 60 - 412g/con/ngày.

Anh Nguyễn Văn Quang đang chăn nuôi 20 con bò vỗ béo cho biết, trước kia bà con chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng truyền thống mà không chú trọng tới giống, thức ăn và chăm sóc thú y.

“Nuôi theo hướng sinh sản, bò bé, trọng lượng thấp, giá trị kinh tế không cao do kỹ thuật chăn sóc hạn chế. Đẻ một con bê thì có giá trị khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, sau 3 tháng nuôi theo quy trình vỗ béo, trừ các chi phí (chưa tính công lao động, chăm sóc…) bà con thu được 5,2 triệu đồng/con”, anh Quang cho hay.

Trước những lợi ích mà quy trình nuôi bò vỗ béo đem lại, anh Quang cùng bà con chăn nuôi bò tại xã Khe Mo mong muốn được tiếp cận thêm nguồn vỗn ưu đãi dài hạn để mở rộng sản xuất quy mô lớn, an toàn dịch bệnh và tiến tới thành lập hợp tác xã.

Nuôi bò vỗ béo

Theo bà Đinh Thị Đức, chủ động nguồn thức ăn giúp lợi nhuận nuôi bò vỗ béo ổn định.

Bà Đinh Thị Đức, 76 tuổi chia sẻ: “Cả đời tôi nuôi bò sinh sản theo hình thức chăn thả, nay mới được tiếp cận với hình thức nuôi vỗ béo. Vỗ béo bò 3B rất nhanh, bán được giá, khỏe hơn con bò ngày xưa”.

Theo bà Đức, quy trình vỗ béo do Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đưa ra giúp bò 3B chịu rét tốt, ít mắc bệnh, giá trị kinh tế tăng 3 - 4 lần so với hình thức nuôi sinh sản truyền thống.

Việc xây dựng mô hình vỗ béo bò 3B ở xã Khe Mo đã giúp các nông chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh tạo hàng hoá, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường.