Nuôi lợn gần nhà không mùi hôi, cho lãi lớn sau 4 tháng
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình đã thúc đẩy, nâng cao chất lượng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống chuồng trại cho các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình cho hay: “Chúng tôi triển khai thực hiện một số mô hình điểm với nhóm các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Qua đó, hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đồng thời mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi”.
Bế con vào chuồng lợn để chơi… với lợn
Chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Tú Hải ở xã Thuận Đức (Thành phố Đồng Hới), là hộ gia định được hỗ trợ hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn hướng hữu cơ.
Trước đây, gia đình chị Hải cũng đầu tư hệ thống chuồng nuôi lợn theo kiểu truyền thống. Chuồng được làm cách xa nhà ở hơn 5m để khỏi ảnh hưởng đến mọi người. Tuy nhiên, dù đã dội, xịt nước tắm cho lợn, vệ sinh chuồng trại hàng ngày nhưng chuồng lợn vẫn rất nặng mùi.
“Những khi trở trời hay trở gió Nam là mùi hôi từ chuồng lợn cứ như xộc thẳng vào nhà nên rất khó chịu và kèm theo là ruồi, muỗi cứ như tập trung hết về đây. Biết vậy mà gia đình không có cách nào để xử lý. Vì lợn thì phải nuôi chứ không thể dẹp bỏ”, chị Hải bộc bạch.
Thức ăn nuôi lợn hướng hữu cơ được tận dụng từ nông sản ủ men sinh học.
Được hỗ trợ, gia đình chị Hải đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi lợn và luôn duy trì tổng đàn 200 con. Mặc dù chỉ là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng gia đình luôn có ý thức bảo đảm vệ sinh môi trường. “Vì tôi biết nếu chăn nuôi không đảm bảo môi trường là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và lây lan dịch bệnh trên đàn lợn của gia đình”, chị Hải nói thêm.
Trong quá trình xây dựng trang trại, cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú ý tỉnh đã hướng dẫn gia đình chị Hải thực hiện chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Chuồng trại được thiết kế sử dụng đệm lót sinh học, thức ăn sẵn có phối trộn với men vi sinh.
Khi chúng tôi đến thăm đàn lợn, chị Hải đưa ra phía sau nhà, mọi người đi qua vùng đệm tiếp xúc có rải vôi bột để khử khuẩn rồi vào khu vực chăn nuôi. Đàn lợn đang nằm, nghe tiếng người thì chen nhau dậy, nghếch mõm kêu đòi ăn. Chị Hải mang ủng chân, vào chuồng lợn dùng cào xới lớp đệm lót sinh học đều lên.
Vừa làm chị vừa giải thích: “Lớp lót này gồm trấu, mùn cưa và chế phẩm sinh học được trộn đều nhau. Nó có tác dụng làm lên men phân và nước thải từ đàn lợn. Việc cào xới hàng ngày giúp cho lớp đệm có tác dụng hơn và làm cho chuồng trại luôn sạch”.
Đàn lợn phát triển tốt và phòng chống được dịch bệnh.
Quả nhiên, chúng tôi không hề phát hiện mùi hôi khi vào tận chuồng nuôi lợn, cũng không thấy ruồi nhặng gì. Anh Tình (chồng chị Hải) cùng bế con nhỏ ttrên tay theo chúng tôi vào khu nuôi lớn. Cháu bé thấy lợn thì thích lắm, cứ nhoài người dùng tay xoa vào đầu những chú lợn sạch sẽ đang gác đầu lên thành chuồng.
Anh Tình bảo, cháu rất thích ngắm lợn. Nhưng trước đây vào chuồng lợn thì ô nhiễm, hôi lắm nên không cho cháu vào, chỉ bố, mẹ vào cho lợn ăn và quét dọn. Nay nuôi theo công nghệ hữu cơ thì sạch sẽ nên anh cũng hay cho cháu vào ngắm lợn và thấy yên tâm lắm.
“Không chỉ mọi người trong gia đình yên tâm về môi trường và cũng không phải lo lắng làm ảnh hưởng đến hàng xóm nữa”, anh Tình nói như khoe.
Theo quy trình nuôi hữu cơ không nhất thiết phải dùng đến thức ăn chăn nuôi nhà máy mà người nuôi chỉ cần sử dụng sản phẩm nông nghiệp như bột ngô, cám, bột sắn… Những sản phẩm này được phối trộn với chế phẩm sinh học theo tỷ lệ của trọng lượng đàn lợn rồi ủ trong vòng 24 giờ cho lên men là sử dụng tốt. Chị Hải cho biết thêm: "Tôi còn dùng thứ sẵn có như thân chuối, rau xanh… thái nhỏ, trộn chế phẩm sinh học lên men rồi cho lợn ăn. Vừa tận dụng được cây quanh nhà, vừa đỡ khoản tiền mua thức ăn đóng bao nên rất thuận tiện cho chăn nuôi nông hộ”.
Đệm lót sinh học dùng trong quá trình nuôi được cào xới để phát huy tác dụng.
Thấy chúng tôi quan sát không thấy hệ thống ống nước để tắm cho lợn và làm vệ sinh chuồng trại, chị Hải cười giải thích là nuôi theo hướng hữu cơ này không phải tốn nước, tốn tiền bơm nước.
“Trong quá trình nuôi không phải tắm mà lợn vẫn luôn sạch sẽ. Thêm nữa, chỉ cần xáo trộn thảm lót sinh học chứ không cần bơm xịt chuồng trại. Sau 4 tháng nuôi, khi xuất bán lợn thì lấy hết đệm này ra ủ làm phân hữu cơ bón cây rất tốt và đưa trấu, mùn cưa, chế phẩm sinh học vào làm thảm mới cho lứa lợn sau thôi”, chị Tú Hải nói.
Lãi lớn, triển khai rộng mô hình
Trên cơ sở kết quả xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại 2 huyện Tuyên Hoá và Lệ Thủy năm 2021, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện hỗ trợ nuôi lợn theo hướng hữu cơ năm 2022. Theo đó, Chi cục đã thực hiện hỗ trợ 15 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ với tổng số 765 con lợn nuôi thương phẩm (quy mô 20 - 115 con/cơ sở) tại 6 huyện, thành phố, thị xã.
Theo bà Cao Thị Hải, Trưởng phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình), các mô hình sử dụng giống lợn ngoại nuôi thương phẩm, trọng lượng bình quân khoảng 10kg/con. “Giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn dịch bệnh và được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định trước khi đưa vào nuôi. Thực hiện chuyển đổi vật nuôi ngay sau khi cai sữa để chăn nuôi theo hướng hữu cơ với thời gian nuôi không ít hơn 4 tháng”, bà Cao Thị Hải cho hay.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai mô hình, Chi cục phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp về tận cơ sở chăn nuôi hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi chỉ đạo với hình thức "bắt tay chỉ việc". Từ đó, cơ sở xây mới, cải tạo chuồng trại, chuẩn bị dụng cụ, vật tư đầy đủ; chủ động cung ứng men vi sinh rải chuồng, vacxin các loại cho cơ sở chăn nuôi.
Điều đáng quan tâm là trong 15 mô hình, chỉ có 1 mô hình xây dựng chuồng trại mới. Còn lại 14 mô hình thực hiện cải tạo chuồng trại cũ nên thuận tiện cho bà con tham gia. Diện tích nền chuồng trung bình 1,7 - 2,4m2/con lợn trưởng thành. Trong đó, có 1/3 diện tích làm nền bê tông và có độ dốc (2 - 3%) để thoát ẩm, 2/3 diện tích còn lại làm đệm lót sinh học. Đệm lót được làm từ các nguyên liệu trấu, mùn cưa ủ với men vi sinh BALASA-NO1.
Lợn nuôi hướng hữu cơ không dùng nước tắm hàng ngày nhưng luôn sạch sẽ.
Kết quả, giá xuất bán lợn hơi trung bình cho cả chương trình là 53.800đ/kg (tại thời điểm nghiệm thu kết thúc một số cơ sở chưa xuất bán nhưng tính theo giá thị trường). Tổng thu nhập của 765 con lợn nuôi theo hướng hữu cơ lợi nhuận xấp xỉ 1,5 triệu đồng/con. Trong khi nuôi lợn không theo hướng hữu cơ lợi nhuận khoảng 600 ngàn đồng/con.
Chị Nguyễn Thị Tú Hải cũng cho hay, trong trường hợp giá bán 50.000đ/kg lợn hơi (giá thấp nhất) thì cơ sở chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ vẫn có lãi khoảng 1 triệu đồng/con. “Trên thực tế, các cơ sở bán lợn với giá cao hơn hoặc bằng giá lợn trên thị trường nên hiệu quả kinh tế cao hơn”, chị Hải nói thêm.
Trại lợn nhà chị Tú Hải sát nhà ở nhưng vẫn giữ được môi trường trong sạch và không có ruồi muỗi.
Nhiều hộ gia đình như anh Cao Đức Anh (xã Mai Hóa, huyện Thuyên Hóa, nuôi 50 con lợn), anh Đoàn Anh Quân (xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, nuôi 50 con), Đỗ Văn Hùng (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, nuôi 100 con)… cũng đều có kết quả rất tốt.
Ông Đỗ Văn Hùng cho biết: “Nuôi lợn theo hướng hữu cơ tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sử đệm lót sinh học đã xử lý tốt chất thải, hạn chế lây lan dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững ở vùng nông thôn”.
Tham quan mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ, ông Mai Đông, Trưởng thôn Bắc Ngũ (huyện Quảng Ninh) rất hài lòng, ông cho hay, thôn ông có 300 hộ dân thì nhà nào cũng nuôi 2 - 5 con lợn để tận dụng thức ăn. Nhưng vì ô nhiễm môi trường quá nên dần dần chuồng trại bỏ không.
"Nay có mô hình hướng hữu cơ mà không ô nhiễm, không ruồi muỗi, lại có thêm ủ phân hữu cơ bón ruộng nên rất tốt cho vùng nông thôn phát triển nuôi hộ từ 5 - 10 con để tận dụng nông sản và góp phần phát triển kinh tế gia đình. Nếu mỗi năm nuôi được 3 lứa thì cũng có thêm vài chục triệu đồng từ nuôi lợn rồi”, ông Đông hồ hởi nói.