Nuôi lươn an toàn sinh học
Trang trại lươn giống sinh sản bán nhân tạo Thanh Tân của anh Nguyễn Thanh Tân (sinh năm 1981) ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, chúng tôi có dịp tìm hiểu quy trình sản xuất con lươn giống đạt chất lượng cao, an toàn sinh học cũng như biết thêm một nghề mới ở ĐBSCL.
Trại nuôi lươn bố mẹ được mã hóa để truy xuất nguồn gốc.
Sản xuất lươn giống an toàn sinh học
Theo chia sẻ từ anh Tân, hiện nay trang trại của anh rộng khoảng 2ha, gồm 3 khu, trong đó khu lươn bố mẹ 15.000m2, khu dưỡng lươn giống 800m2 và khu lươn thương phẩm 3.000m2. Đối với lươn thịt thương phẩm và lươn giống anh nuôi theo kiểu thâm canh mật độ cao, không bùn, nước sạch.
Riêng lươn bố mẹ được nuôi theo kiểu bán nhân tạo trong ao vuông có bùn. Đặc biệt, quy trình nuôi được quản lý nghiêm ngặt về an toàn sinh học và không sử dụng kháng sinh, chất cấm.
Đối với nghề nuôi lươn, chất lượng con giống là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại của cả vụ nuôi. Để tạo ra được con giống chất lượng giống tốt, tức là kiểm soát được dịch bệnh anh đã đưa ra quy trình nuôi sinh học. Trong quá trình nuôi bổ sung thêm lợi khuẩn, khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa, giải độc gan… vào nguồn nước, thức ăn nhằm tăng cường sức khỏe cho lươn bố mẹ.
Khi lươn hậu bị đạt trọng lượng, kích cỡ được đưa sang khu nuôi sinh sản để lươn đẻ trứng. Trứng lươn được thu hoạch và đưa về ấp trong trong một tuần để nở thành lươn giống. Sau đó, chúng được nuôi dưỡng đến khi đạt kích thước khoảng 500 - 1.000 con/kg thì xuất bán lươn giống cho người nuôi lươn thịt thương phẩm.
“Một cặp lươn bố mẹ sinh sản từ 4 - 5 lần/năm, mỗi lần đẻ khoảng 500 - 1.000 trứng. Trứng lươn ấp trong một tuần mới nở, tỷ lệ nở đạt trên 90%. Bình quân lươn thịt nuôi trong 10 tháng, đạt trọng lượng 4 con/kg xuất bán", anh Thanh Tân nói.
Chất lượng con giống quyết định thành bại nghề nuôi lươn.
Quy trình nghe có vẻ đơn giản nhưng mỗi khâu, mỗi bước đều được giám sát nghiêm ngặt và áp dụng nhiều kỹ thuật. Bí quyết để quản lý tốt dịch bệnh và hạn chế thiệt hại đó là truy xuất nguồn gốc. Cả quá trình từ lấy trứng đến ấp nở và thuần dưỡng đều được mã hóa, kiểm soát chặt chẽ. Do đó, khi phát hiện lươn bệnh thì dễ dàng truy vết, cách ly, xử lý mầm bệnh hiệu quả. Con giống tới tay người nuôi rất an toàn.
Trong quá trình sản xuất để tránh tình trạng lây nhiễm chéo từ con người, tất cả dụng cụ lao động, những bể chứa con giống đã xuất bán… đều được tiệt trùng kỹ lưỡng bằng chất Chlorine. Mỗi ngày 2 lần công nhân thực hiện khử trùng toàn trại. Ngoài ra, công nhân lao động phải rửa tay bằng cồn trước khi làm việc và cũng không được phép ra khỏi nơi quản lý trong suốt quá trình làm việc, nhất là khu đầu vào, đầu ra.
Ngoài ra, để nuôi lươn hiệu quả cần có nguồn nước sạch. Anh Tân chia sẻ, thông thường bà con đến mua lươn giống tại cơ sở Thanh Tân đều được tư vấn kỹ càng quy trình nuôi, nhất là phải quản lý được nguồn nước sạch. Do đó, nếu ở những khu vực không quản lý được nguồn nước, đảm bảo nước sạch thường xuyên thì anh tư vấn không nên nuôi.
Hiện nay, nhờ cách tư vấn chia sẻ kỹ thuật tận tình mà trang trại của anh ngày càng được khách hàng ba miền tin tưởng. Sản xuất ngày càng mở rộng, dự kiến năm nay, trang trại Thanh Tân có thể cung cấp ra thị trường từ 6 - 8 triệu con lươn giống.
Mỗi năm trang trại cung cấp hàng triệu lươn giống khỏe mạnh ra thị trường.
Đầu ra ổn định
Nói về ưu điểm của nghề nuôi lươn thương phẩm hiện nay, anh Tân cho biết, trong khi nhiều nông sản rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá” con lươn giá bán rất ổn định, trung bình từ 106.000 - 110.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất lươn thịt (không kể khấu hao chuồng trại) chỉ dao động mức 60.000 - 70.000 đồng/kg. Lợi nhuận đạt được ở mức khá cao, tương đương và cũng có thể nói là hấp dẫn hơn so với những nghề khác, số hộ nuôi liên tục được mở rộng.
Bên cạnh đó, do nuôi thâm canh mật độ cao nên diện tích nuôi rất ít. Anh nói, với diện tích chỉ 6m2 có thể làm ra 600kg lươn thương phẩm cho một mùa. Bên cạnh đó, nghề nuôi lươn chủ yếu tốn công ở khâu thay nước sạch thường xuyên. Do đó, có thể tận dụng lao động nông nhàn như ông bà lớn tuổi, bà nội trợ chăm con… Hơn hết, môi trường làm việc trong nhà mát mẻ, chủ yếu là thay nước rất nhẹ nhàng.
Hiện kênh tiêu thụ lươn thương phẩm rất ổn định. Sau 10 năm hình thành nghề nuôi mới, hệ thống thương lái chuyên thu mua lươn thương phẩm cung cấp cho thị trường trong nước xuất khẩu đã phát triển mạnh và rất cạnh tranh, chuyên nghiệp, không có kiểu làm ăn chộp giật. Hiện nay, những con lươn đạt chuẩn đã được một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Do đó, đầu ra của con lươn rất tốt và được giá.
“Theo thông tin của mình, một số doanh nghiệp đang xuất khẩu lươn ra thị trường châu Á. Đối với thị trường Trung Quốc cũng đang làm thủ tục để xuất khẩu chính ngạch. Thị trường 1,4 tỷ dân rất thích ăn lươn, chắc chắn giá lươn sẽ cao và phong trào nuôi lươn tương lai cạnh tranh sòng phẳng công bằng với nghề đã định danh ở Việt Nam như nghề nuôi tôm, nuôi heo, gà vịt. Trong tương lai nó sẽ hiên ngang, sẽ mang lại lợi nhuận và ngoại tệ về cho đất nước mình”, anh Nguyễn Thanh Tân tự tin khẳng định.
Kiểm tra trứng lươn.
Ngoài bán tươi, hiện tại trên thị trường đã có những sản phẩm được chế biến từ lươn như miến lươn ăn liền... Đối với cơ sở Thanh Tân, tới đây cơ sở này sẽ chế biến những những món ăn đặc biệt bổ dưỡng cho người già, trẻ em từ lươn như lươn một nắng, xúc xích lươn, chà bông lươn, bột lươn…
Anh Tân còn ấp ủ sẽ hình thành được chuỗi liên kết sản xuất con lươn với bà con nông dân địa phương. Trong đó, cơ sở này sẽ cung cấp đầu vào và bao tiêu lươn thương phẩm đầu ra. Từ đó, có nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm qua chế biến từ lươn.
“Để đảm bảo sức khỏe cho người dùng, trang trại Thanh Tân sẽ hướng dẫn bà con nuôi theo quy trình an toàn sinh học, không có kháng sinh, đảm bảo thịt lươn đến tay người tiêu dùng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Định hướng này không riêng gì Thanh Tân mà sắp tới nhiều doanh nghiệp sẽ quan tâm bởi sản lượng thịt lươn thương phẩm rất nhiều”, anh Tân cho biết.
Người lao động được tập huấn đầy đủ các biện pháp tránh lây nhiễm chéo mầm bệnh cho lươn giống.
Mong ước đưa nghề nuôi lươn sánh ngang với tôm, heo, gà
Năm 2023, nghề nuôi lươn không bùn ở Vĩnh Long phát triển hơn những năm trước. Theo nhận định của anh Nguyễn Thanh Tân, chỉ tính riêng huyện Long Hồ, mỗi năm tăng trưởng khoảng 200% số hộ nuôi. Sản lượng lươn thịt tại 4 xã cù lao huyện Long Hồ đạt khoảng trên 500 tấn. Mô hình nuôi lươn không bùn đang có hiệu quả kinh tế cao, đang phát triển và chưa có dấu hiệu chững lại.
Đa phần những hộ nuôi mới phát triển đều có mối liên hệ với những nuôi trước và được tư vấn kỹ càng nên tỷ lệ thành công đạt cao, khoảng 80%.
Hiện, tỉnh Vĩnh Long là địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển nghề nuôi lươn thịt cũng như sản xuất con giống nhờ các yếu tố như được bao bọc bởi hai nhánh sông lớn (sông Tiền, sông Hậu), đất ít phèn nhiều phù sa, khí hậu ôn hòa, ít bị xâm nhập mặn… Từ đó, chất lượng con lươn giống của tỉnh được khách hàng cả nước tín nhiệm.
Cũng theo anh Tân, để nghề nuôi lươn phát triển bền vững, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nghề khác như nuôi tôm, cá tra thì rất cần sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đối với một người đã làm nghề hơn 10 năm, anh Tân có đề xuất sớm thành lập hội nuôi lươn địa phương và hiệp hội nuôi lươn quốc gia để làm đầu mối kết nối nhà nông với doanh nghiệp và nhà khoa học.
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT cần quan tâm nghiên cứu tập tính, hỗ trợ quy trình nuôi an toàn sinh học cũng như kêu gọi một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn chế biến sâu.
“Bản thân tôi làm nghề lươn đã có không ít lần đối tác nước ngoài liên hệ cần mua số lượng lươn lớn, tuy nhiên đối với năng lực của mình chưa thể cung cấp được, vì mình là cơ sở ở mức độ vừa phải, cần phải có sự chung tay của Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần quy hoạch vùng nuôi, khuyến cáo sản lượng nuôi, dự báo nhu cầu con giống… không để tình trạng phát triển tự phát, tránh tình trạng được mùa mất giá”, anh Nguyễn Thanh Tân bày tỏ.