Nuôi trâu thả đồng, làm chơi ăn thật

Nuôi trâu thả đồng, làm chơi ăn thật

Tận dụng những khu đất bị thu hồi còn bỏ hoang, ông Dũng mua trâu về chăn thả, mỗi năm lãi gần 300 triệu đồng.

Trên đường vào thăm xã Xuân Lâm, Thuận Thành (Bắc Ninh), bất ngờ thấy đàn trâu đang chăn thả trên đồng. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi vội rút máy ảnh, giơ lên chụp liền mấy kiểu, rồi dò hỏi chủ nhân của những con gia súc này? Thật may chưa kịp cất lời, một ông lão đã tập tễnh bước tới giới thiệu, tên là Nguyễn Đức Dũng, chủ sở hữu của đàn trâu.

Ông Dũng kể: Cách đây chừng 7 năm, đất canh tác của thôn Doãn Thượng, Xuân Lâm bị thu hồi, rồi chuyển cho doanh nghiệp làm đô thị sinh thái, trong đó có toàn bộ diện tích khoán 03 của gia đinh ông. Không như một số hộ dân trong làng, mang tiền “bán ruộng” đi sắm các đồ dùng xa xỉ, chưa thiết yếu, ông Dũng đã chuyển toàn bộ số tiền hỗ trợ đền bù thu hồi ruộng để mua trâu nuôi thả theo hướng chuyên thịt.

Nhờ vậy, liên tục từ năm 2017 đến nay, năm nào ông Dũng cũng có hơn 30 con trâu thương phẩm xuất bán. Trừ tiền đầu tư mua con giống, ông vẫn còn thu được quân bình 270 - 300 triệu đồng mỗi năm.

Để có được giống tốt và rẻ, ông Dũng phải vào tận huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) tìm mua những con nghé tơ 10 - 12 tháng tuổi, có vóc dáng dài rộng, khỏe mạnh, không khuyết tật, dị hình, không mắc bệnh, đi lại nhanh nhẹn. Thông thường, con giống ông Dũng mua chỉ 8 - 10 triệu đồng/con, sau chăn thả 1 năm, bán được từ 18 - 20 triệu đồng/con.

Nuôi trâu thả

Những ruộng thu hồi nhưng chưa xây dựng này thường được ông Dũng thả trâu và kiếm cỏ.

Theo ông Dũng, khí hậu miền Trung luôn khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng rất gay gắt, nên trâu, bò mua từ các địa phương này về đồng bằng sẽ dễ nuôi hơn, mau lớn hơn. Đây cũng là một trong những lý do ông Dũng thường chọn mua trâu giống từ Nghệ An về chăn thả.

Sở dĩ ông Dũng chọn nuôi thả trâu bởi so với bò, trâu dễ nuôi hơn, phàm ăn hơn, khả năng chống chịu tốt, ít phát sinh dịch bệnh, sản phẩm cũng dễ bán hơn. Ông Dũng cho biết, thịt trâu được coi là đặc sản, bán đắt hơn thịt bò rất nhiều.

“Trâu có khả năng chống chịu tốt, nhưng sau mua về vẫn phải tẩy giun sán và vacxin phòng các bệnh ký sinh trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng... theo đúng lịch thú y. Vào các ngày thời tiết dưới 15 độ C, cần sưu tầm các bao tải đay, khâu thành tấm choàng phủ chống rét cho thân và bụng trâu. Chăn trâu cho mục đích lấy thịt, nên chọn nuôi các con nghé đực, sẽ khỏe hơn, khả năng chống chịu tốt hơn, tốc độ tăng trọng cũng nhanh hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Nuôi trâu thả

Trâu chăn thả nhưng vẫn béo vì rất phàm ăn, kể cả những cây cỏ cằn cỗi nhất.

Đáng chú ý, trong suốt quá trình chăn nuôi, ông Dũng không cần cho ăn thêm bất kỳ thức ăn công nghiệp nào, và cũng không cần trồng thêm cỏ cho trâu ăn, kể cả có muốn trồng cũng không còn đất. Để đảm bảo thức ăn cho trâu, ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, ông Dũng đều phải lùa cả đàn trâu đi thả, cho tự kiếm ăn các loại cỏ mọc ven đường, bờ sông trục và những khu ruộng đã thu hồi nhưng chưa xây dựng.

Biết ông Dũng nuôi trâu không cho ăn “cám công nghiệp”, ngoài thương lái, nhiều người dân còn thường rủ nhau mua cả con trâu, thịt ăn trong các dịp hội làng, lễ tết và công việc đại sự của gia đình, dòng họ.

Trong câu chuyện kể với chúng tôi, ông Dũng luôn phấn khởi nói: Cứ nghĩ nhà nước lấy hết ruộng, rồi đây không biết làm gì để có cái ăn duy trì cuộc sống. Vợ chồng ông cũng đã già yếu, ông còn bị bệnh thần kinh tọa hành hạ, thường xuyên phải đi lệch người về bên phải. Không ngờ trong cái rủi có cái may! Sau “bán” hết ruộng, được Khuyến nông huyện Thuận Thành gợi mở, ông đã mạnh dạn tìm mua trâu về nuôi thả đồng, kết quả làm chơi mà được ăn thật.

Thấy ông Dũng nuôi trâu đạt hiệu quả cao. Một số hộ trong cùng xã đã bắt chước mua nghé tơ về chăn thả, thu nhập cũng không hề kém cạnh, trung bình mỗi con nghé sau nuôi 1 năm, sẽ cho lãi 8 - 10 triệu đồng, không cần đầu tư thêm cám ăn công nghiệp.

Tìm hiểu thực tế được biết, tổng đàn trâu nuôi thường xuyên của xã Xuân Lâm đã tăng thêm hơn 100 con. Thu nhập từ nuôi trâu thả đồng bằng canh tác 2 - 3 ha lúa/năm, không phải lo thiên tai, dịch bệnh mất mùa, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật độc hại, giữ gìn được môi trường sinh thái, ví như siêu lợi nhuận.