Phát triển đàn bò thịt F2-BBB ở Hiệp Đức, Quảng Nam
Dự án được triển khai theo tinh thần Nghị quyết 02/HĐND tỉnh năm 2019 với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và kinh phí đối ứng của huyện cùng người chăn nuôi.
Ngoài đào tạo, tập huấn kỹ thuật, dự án mua và cấp nguyên vật liệu phối tinh, giống cỏ, phân trồng cỏ, bao ủ cỏ hỗ trợ đến người dân tham gia dự án; hỗ trợ thức ăn, vắc xin cho vật nuôi trên cơ sở vận động người chăn nuôi tham gia mô hình đối ứng kinh phí.
Qua 3 năm triển khai tại 9 xã/thị trấn của huyện Hiệp Đức (trừ 2 xã Phước Gia và Phước Trà), dự án đã phối tinh cho 300 con bò mẹ, trong đó có 289 con mang thai, kết quả có 256 con bê ra đời.
Theo cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức, việc lai giống giữa bò đực BBB và bò cái lai Zêbu tạo ra thế hệ con lai mới (F2-BBB) có chất lượng để phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Việc chuyển đổi được con giống có tầm vóc nhỏ bé, năng suất và chất lượng thịt kém sang con giống F2-BBB có trọng lượng lớn, chất lượng và tỷ lệ thịt xẻ cao là nỗ lực của ngành nông nghiệp huyện Hiệp Đức.
Tham gia dự án, người dân biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi như thực hiện phối tinh nhân tạo, sử dụng thêm thức ăn tinh, bố trí và xây dựng chuồng trại đúng quy định và biết chữa trị những bệnh thông thường cho bò.
Tham gia dự án, hộ ông Lê Văn Xuân (ở thôn Phú Bình), anh Lê Tấn Hùng (thôn An Tây, cùng xã Quế Thọ) không chỉ được hỗ trợ phối giống tinh bò BBB cho bò cái Zêbu mà còn được hỗ trợ chi phí thức ăn, trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật băm cỏ và ủ chua thức ăn dự trữ trong mùa mưa bão.
Bê con F2-BBB của hộ ông Xuân và anh Hùng đến nay được 3 tháng tuổi, có khung xương lớn, vóc dáng vượt trội so với bò con lai giống khác cùng lứa tuổi. Theo giá thị trường hiện nay, mỗi con bò lai F2-BBB sau 6 tháng nuôi có giá bán đến 25 - 28 triệu đồng; nếu tiếp tục nuôi hướng thịt, sau 1 năm có thể đạt 60 triệu đồng.
Có trường hợp như ông Cao Văn Quý (thôn Nhất Mỹ, xã Quế Lưu), ngoài được hỗ trợ cho bò cái Zêbu sinh bò lai F2-BBB, ông còn mua lại cả chục con bò giống BBB được sinh ra từ dự án của các hộ dân khác để nuôi thâm canh.
Ông Quý chia sẻ, lâu nay người dân địa phương cũng nuôi bò BBB, nhưng nguồn giống phải nhập về từ nơi khác. So với mua giống ở nơi khác thì việc phối giống thành công ở địa phương sẽ giúp giá thành bò giống rẻ hơn, ít tốn chi phí và nhân công vận chuyển, vấn đề an toàn dịch bệnh cũng được kiểm soát.
“So với các giống bò khác, bò BBB cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ví dụ, với giống bò lai khác, mỗi con khi nuôi tầm 2 năm trọng lượng đạt hơn 200kg, giá bán vài chục triệu đồng; trong khi cùng lứa nuôi, cùng độ tuổi, bò BBB bán ra đạt 57 - 60 triệu đồng. Tất nhiên, để đàn bò có giá trị kinh tế cao thì khâu chọn giống, kỹ thuật nuôi, yếu tố thị trường, giá cả, đầu ra hết sức quan trọng” - ông Quý nói.