Phát triển kinh tế nhờ mô hình 'chăn nuôi trâu, bò sinh sản – thịt'
Những ngày đầu tháng 6 này, chúng tôi có dịp ghé thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản – thịt của gia đình ông Trần Ngọc Lợi, ngụ ấp Đắc Thắng là thành viên Tổ hợp tác “chăn nuôi trâu, bò sinh sản – thịt” của Hội Cựu chiến binh xã Hồ Đắc Kiện. Với khu chuồng nuôi trâu, bò riêng được dựng lên thành 2 dãy thuận tiện cho việc chăm sóc, vệ sinh.
Dẫn chúng tôi tham quan đàn trâu, bò đang nuôi nhốt trong chuồng, ông Trần Ngọc Lợi chia sẻ: “Khi tham gia vào tổ hợp tác, tôi được Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ bò cái sinh sản và hỗ trợ tiền làm chuồng trại. Khi bò cái đẻ ra bê con cái được 6 tháng tuổi, tôi sẽ gửi lại bò cho ban quản lý dự án để hỗ trợ những hộ nuôi khác. Ngoài chuyển giao bò cái sinh sản, Dự án Phát triển chăn nuôi bò còn hỗ trợ nguồn vốn không lãi suất 10 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi bò. Đến nay, tổng đàn bò của gia đình tôi đã tăng lên được 7 con, trong đó, tôi mới xuất chuồng 3 con, với tổng số tiền gần 40 triệu đồng. Những con bê cái đẹp, khỏe mạnh tôi để lại làm giống nhân đàn. Nhận thấy nguồn thức ăn thô xanh, cỏ tự nhiên ở vùng đất này khá dồi dào, năm 2023, tôi quyết định mua thêm 4 con trâu giống, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng để nhân rộng mô hình chăn nuôi. Hiện đàn trâu đã phát triển được 6 con”.
Theo kinh nghiệm của ông Ngọc Lợi, để nuôi trâu, bò sinh sản hiệu quả thì việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Khi chọn trâu, bò sinh sản phải chọn con giống khỏe, nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi dưỡng phải luôn chú ý đến khẩu phần ăn, theo dõi sức khỏe thường xuyên, định kỳ để phòng bệnh. Thời kỳ trâu, bò mang thai thì bổ sung thức ăn tinh. Đây chính là phương pháp chăn nuôi trâu, bò sinh sản bán chăn thả để cho trâu, bò được vận động và thay đổi môi trường sống, tăng sức đề kháng và giảm thiểu bệnh tật. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò, gia đình ông trồng cỏ voi trên diện tích gần 1.000 m2 đất và tận dụng thu gom rơm sau thu hoạch lúa làm nguồn thức ăn dự trữ. Để đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi trâu, bò lúc khan hiếm, rơm trở thành nguồn dự trữ tuyệt vời để thay thế. Ngoài ra, gia đình ông cũng kiếm thêm thu nhập từ bán phân trâu, bò, mỗi năm bán cho các nhà vườn hơn 200 bao, với giá 15.000 đồng/bao.
Trâu, bò dễ chăm sóc, ít xảy ra dịch bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao nên được Hội Cựu chiến binh xã Hồ Đắc Kiện quan tâm lựa chọn. Thời gian đầu hình thành mô hình “chăn nuôi bò sinh sản và nuôi bò thịt” có 7 hộ hội viên cựu chiến binh đăng ký tham gia và làm chuồng trại, tìm nguồn bò giống để mua thả nuôi. Năm 2020, các thành viên bắt đầu thả nuôi 32 con bò giống, tổng chi phí ban đầu 550 triệu đồng.
Sau gần 4 năm thành lập, đến nay Tổ hợp tác “chăn nuôi trâu, bò sinh sản – thịt” của Hội Cựu chiến binh xã tăng tổng đàn bò lên 127 con; trong đó, có 48 bò sinh sản và 79 bò thịt. Đầu năm 2024, tổ viên tiếp tục mua thêm 4 con trâu (3 trâu giống, 1 trâu thịt).
Ông Lê Quốc Nghị – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hồ Đắc Kiện cho biết: “Trong thời gian tới, tổ chăn nuôi chúng tôi dự kiến điều chỉnh tên gọi, từ mô hình Tổ hợp tác “chăn nuôi trâu, bò sinh sản – thịt” thành Tổ hợp tác “chăn nuôi trâu, bò sinh sản và nuôi trâu, bò thịt”. Qua 4 năm chăn nuôi, các tổ viên bán bò thịt và bò giống được 79 con, với số tiền 1,4 tỷ đồng. Khi được công nhận trở thành tổ hợp tác này, chúng tôi sẽ phát động nhân rộng toàn hội viên cựu chiến binh và nhân dân trên địa bàn xã. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện đối với hội viên cựu chiến binh có nhu cầu chăn nuôi nhưng vốn ích, tổ có thể bán trâu, hoặc bò với hình thức trả dần, hoặc tổ cho mượn con giống để nuôi đến khi sinh sản thì trả lại con như lúc mượn (giống mô hình Hội Nông dân tỉnh thực hiện)”.
Những hiệu quả bước đầu của Tổ hợp tác “chăn nuôi trâu, bò sinh sản – thịt” của Hội Cựu chiến binh xã Hồ Đắc Kiện đã giúp cho các hội viên chăn nuôi nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mang đến hiệu quả cho công tác giảm nghèo, và thời gian tới hội sẽ tiếp tục nâng chất hoạt động của tổ hợp tác này.