Phát triển thương hiệu gà Cùa

Phát triển thương hiệu gà Cùa
Là một trong những giống gà quý hiếm, trở thành sản phẩm đặc trưng có thế mạnh và thương hiệu của huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, địa phương xây dựng mô hình thí điểm chăn nuôi gà Cùa an toàn sinh học theo chuỗi giá trị để bảo tồn và phát triển nguồn giống quý này.

Giống gà Cùa quý

Với đặc điểm “ngày ăn mối, tối ngủ cây”, gà Cùa đã trở thành đặc sản trăm năm thơm ngon nức tiếng ở vùng “đất lửa” Cam Lộ, Quảng Trị.

Giống gà Cùa không to, sau 5 - 6 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 1 - 1,2 kg. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng vùng gò đồi đất đỏ ở Cam Lộ có nhiều loại khoáng chất và thực phẩm thiên nhiên độc đáo như các loại côn trùng, kiến, mối, dế… để đàn gà di chuyển tìm kiếm thức ăn, nên thịt gà Cùa có vị ngọt thơm rất đặc trưng, thớ thịt săn chắc mà không dai, béo mà không ngậy.

Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cam Lộ, hiện toàn vùng có tổng đàn gà khoảng 90.000 con, sản lượng ước đạt gần 100 tấn, thu nhập gần 5 tỷ đồng. Thời gian qua, chất lượng thịt gà Cùa đã khẳng định được uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Tuy nhiên, sản phẩm gà Cùa vẫn chưa tạo tính khác biệt một cách rõ nét để hình thành thương hiệu của vùng miền đủ mạnh cạnh tranh trên thị trường, do nguồn cung cấp con giống chưa đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi, chất lượng không đồng đều và chủng loại không đồng nhất, sản xuất manh mún và chưa có quy trình sản xuất an toàn dẫn đến nguy cơ dịch bệnh…

Để xây dựng thương hiệu gà Cùa có tính khác biệt mang đặc trưng vùng miền, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của người dân địa phương, Phòng NN&PTNT huyện Cam Lộ đã xây dựng Đề án thí điểm chăn nuôi gà Cùa an toàn sinh học theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Theo đó, mô hình chăn nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị được triển khai tại 27 hộ thuộc địa bàn 3 xã: Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Thành. Dự án sẽ hỗ trợ nhiều hạng mục như gà giống, vaccine phòng dịch, xây dựng chuồng trại, đăng ký thương hiệu, tập huấn kỹ thuật… Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 250 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn của nhân dân đóng góp.

Chăn nuôi an toàn sinh học

Từ việc triển khai Đề án này, thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi gà Cùa rất hiệu quả, điển hình như mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của anh Vũ Văn Bắc, xã Cam Chính. Anh Bắc chia sẻ, năm 2020, với Đề án phát triển thương hiệu gà Cùa của huyện Cam Lộ, anh mạnh dạn đề xuất và được lựa chọn thực hiện mô hình điểm chăn nuôi gà Cùa theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, thành lập Tổ hợp tác gà Cùa với 10 hộ tham gia do anh Bắc làm tổ trưởng.

Các hộ tham gia tổ hợp tác được hỗ trợ 50% về gà giống, thuốc, vaccine và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, quản lý và kẹp chì khi xuất bán, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Theo anh Bắc, sau khi được tập huấn và xác định chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn an toàn sinh học của VietGAP, anh đã thay đổi hoàn toàn cách nuôi để đảm bảo chất lượng đúng chuẩn thương hiệu gà Cùa đã có tiếng từ trước đó.

Được biết, ngoài chăn nuôi hơn 3.500 con gà Cùa, anh Bắc còn cung cấp toàn bộ gà giống, thức ăn và đầu ra sản phẩm cho 9 hộ hội viên còn lại với trung bình mỗi hộ nuôi 1.000 - 2.000 con/lứa. Anh Bắc cho biết: “Trung bình mỗi tháng, tổ hợp tác xuất đi khoảng 3.000 con gà thịt. Thị trường chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn ở TP. Đông Hà, thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo, ngoài ra còn có một số đơn hàng ở Huế, TP. Hồ Chí Minh.

Đầu ra sản phẩm tương đối ổn định nên các thành viên trong tổ hợp tác thay nhau gối lứa để đủ nguồn cung và đảm bảo chất lượng sản phẩm thịt gà Cùa cho khách hàng. Riêng đối với gia đình tôi, một năm nuôi gối vụ khoảng 4 - 5 lứa, mỗi lứa khoảng 1.400 - 1.500 con”.