Phòng bệnh Reovirus trên gia cầm
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh do Reovirus gây ra trên gia cầm, thủy cầm gồm: Avian reovirus (ARV): Gây bệnh trên gà; Muscovy duck reovirus (MDRV): gây bệnh trên vịt siêu thịt, ngan, vịt lai ngan; Goose reovirus (GRV): Gây bệnh trên ngỗng. Ngoài ra, còn có một virus mới có tên là Novel Duck Reovirus (NDRV) cũng lây nhiễm cho vịt, ngan ngỗng, thuộc giống Orthoreovirus.
Đặc điểm dịch tễ
Bệnh có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn khi thời tiết nóng ẩm. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn 7 - 35 ngày tuổi, nhiều nhất là 10 - 25 ngày tuổi. Bệnh dễ phát sinh trong các điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột, điều kiện vệ sinh kém, mật độ nuôi dày.
Đối tượng cảm nhiễm: Bệnh xảy ra ở ngan con, vịt siêu thịt, vịt Bắc Kinh, vịt Anh Đào và các vịt con khác. Tỷ lệ chết của vịt con là 60 - 90%, tỷ lệ chết ở vịt lớn là 50 - 80%. Bệnh có khả năng lây truyền qua đường tiêu hóa và đường hô hấp.
Triệu chứng
Vịt, ngan và ngỗng ốm thường rất suy nhược, không muốn vận động; Thể trạng yếu, chân yếu, hay co rúm (do ngồi cúi lâu sẽ dễ làm máu kém lưu thông, chân sưng tấy và tím tái). Vịt giảm ăn, chán ăn, uống nhiều; Tiêu chảy, phân dính bết hậu môn, phân lỏng màu vàng, trắng xám hoặc trắng lẫn cả phân xanh, có lẫn chất nhầy. Quá trình phát bệnh thường từ 2 - 14 ngày và đỉnh điểm tử vong là 5 - 7 ngày sau khi phát bệnh. Tình trạng nặng vịt thở gấp, vịt ốm mất nước, sụt cân nhanh, cuối cùng chết vì kiệt sức.
Bệnh tích
Khi mổ khám vịt, ngan bệnh do Reovirus chủng MDRV có các biểu hiện: Gan sưng to có màu đỏ nâu nhạt, bở dễ nát, trên bề mặt gan xuất hiện nhiều biến đổi. Xuất hiện các điểm hoại tử màu trắng xám hoặc đốm hoại tử màu vàng xám, đôi khi có vết hoại tử dạng đốm, mép không đều và xỉn màu như hình bông hoa.
Lách to ra có màu đỏ sẫm hoặc tím đen, cứng, trên mặt và mặt cắt có nhiều chấm hoặc ổ hoại tử màu trắng, trắng vàng với kích thước khác nhau.
Tuyến tụy nhợt nhạt hoặc xung huyết và chảy máu, với các đốm nhỏ màu trắng xám lan tỏa hoặc khu trú hoặc các ổ hoại tử có kích thước khác nhau trên bề mặt và hình dạng tương đối đều đặn và tròn.
Một số tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim, viêm quanh thận, sung huyết và sưng thận, đôi khi có những chấm hoại tử màu trắng xám, thành ruột mỏng ở nửa sau, có bọt bên trong và đôi khi trên màng thanh dịch ruột có màu xám - các đốm hoại tử màu trắng.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán lâm sàng dựa trên các triệu chứng và bệnh tích đặc trưng.
Chẩn đoán virus học hoặc sinh học phân tử PCR, RT-PCR.
Phòng bệnh
Vịt sinh sản có thể được chủng ngừa bằng vaccine Reovirus bất hoạt nhiều hơn 2 lần trước khi đẻ. Vịt thương phẩm có thể được tiêm vaccine Reovirus giảm độc lực ở 1 ngày tuổi.
Ở giai đoạn úm, chú ý sử dụng các chất có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, chẳng hạn như polysaccharides hoặc sử dụng các peptide để phá vỡ ức chế miễn dịch và kiểm soát sự phát triển của virus.
Bổ sung Beta - Glucan hoặc chiết xuất Saponin giúp tăng cường miễn dịch. Sử dụng nước uống bổ gan mật 3 - 5 ngày. Khi bị bệnh dùng giải độc gan thận cấp tốc cho vịt, ngan.
Sử dụng các vitamin bổ trợ: ADE, B12, B6; Multivit và men tiêu hóa.
Trị bệnh
Khi bệnh xảy ra, nếu bệnh lây lan quá nhanh, có thể tiêm theo phác đồ: Trường hợp cấp cứu sử dụng: Ceftiofur sodium + interferon (hoặc kháng thể gama globulin).
Ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng thứ cấp: Sử dụng các kháng sinh phổ rộng để điều trị kế phát như: Thêm kháng sinh phổ rộng vào kháng thể lòng đỏ trứng, chẳng hạn như amoxicillin (15 - 20 mg/kg P), amikacin sulfate (25.000 - 30.000 UI/kg P); Liệu trình điều trị 3 - 5 ngày.
Do nhiễm virus nên chức năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với các nguyên nhân lây nhiễm khác. Vì vậy, trong quá trình nuôi, cần tiêm phòng vaccine đẩy đủ cho gia cầm để hạn chế thiệt hại.