Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi

Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi

Hiện nay, thời tiết chuyển sang mùa đông, sức đề kháng của vật nuôi bị giảm cùng lưu lượng vận chuyển gia súc, gia cầm tăng mạnh... nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Ngành Nông nghiệp Hà Nội khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho vật nuôi và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...

Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với 32,6 triệu con gia cầm, 1,56 triệu con lợn, 171.251 con trâu, bò. Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định. Trong đó, đàn trâu, bò chủ yếu mắc các bệnh: Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi; tỷ lệ ốm chiếm 0,84%/tổng đàn. Đàn lợn chủ yếu mắc các bệnh: Phó thương hàn, tụ huyết trùng, tiêu chảy; tỷ lệ ốm chiếm 3,62%/tổng đàn. Đàn gia cầm mắc các bệnh: Tụ huyết trùng, Newcastle... tỷ lệ ốm chiếm 1,2%/tổng đàn.

Bên cạnh đó, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Đến nay, các hộ dân đang tập trung đẩy mạnh tái đàn lợn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tuy nhiên, hiện nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn rất cao do trên địa bàn thành phố còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý. Người chăn nuôi chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh; thời tiết mưa, nắng thất thường cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân tăng cao nên việc vận chuyển gia súc, gia cầm tương đối lớn cũng tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh.

Để hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát vào dịp cuối năm và các tháng đầu năm mùa lễ hội 2022, theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh, trạm tiếp tục duy trì trực 24/24 giờ tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 5 trên địa bàn huyện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch; tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y, công an, quản lý thị trường trong kiểm dịch, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập trên địa bàn huyện.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin, đạt tỷ lệ cao (từ 80% tổng đàn trở lên) để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, thực hiện tổng tẩy uế môi trường, làm giảm sự lây nhiễm mầm bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; các địa phương thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh tại các cơ sở, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tốt việc giám sát tại các thôn, xóm có chăn nuôi; tăng cường kiểm tra các bãi rác, kênh mương, kịp thời xử lý xác gia súc, gia cầm chết trôi nổi, không rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có biện pháp ngăn chặn; lấy mẫu làm các xét nghiệm để dự tính, dự báo dịch bệnh, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn, vùng chăn nuôi tập trung.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các xã giám sát các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán gia súc, gia cầm mắc bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm.

Cùng với đó duy trì 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố để kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật vào thành phố.