Phòng và điều trị bệnh bằng thảo dược cho gia cầm

Phòng và điều trị bệnh bằng thảo dược cho gia cầm
Dùng thảo dược để phòng và điều trị bệnh cho gia cầm được xem là có hiệu quả và hướng đi bền vững. Việc sử dụng thảo dược có nhiều ưu điểm như tránh hiện tượng kháng thuốc, không tồn dư trong thực phẩm, ít độc hại và là xu hướng tất yếu để thay thế cho kháng sinh như hiện nay.

Các bài thuốc dân gian

Thảo dược có tính kháng khuẩn, bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, giúp hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, hỗ trợ kháng viêm, chống ôxy hóa, nâng cao năng suất của vật nuôi. Ngoài ra, thảo dược còn làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi, giúp bổ sung hỗn hợp cinnamaldelhyde, capsicum oleoresim và carvacrol, kích thích sự phát triển của vi khuẩn Lactobacilli có lợi cho hệ tiêu hóa. Tuy là phương thuốc dân gian nhưng đã được nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả tốt. Không chỉ giá thành thấp, nguyên liệu dễ tìm, thân thuộc mà còn vì yếu tố tự nhiên và an toàn.

Phòng, trị bệnh cúm cho gia cầm: Từ xưa, người ta đã trộn hành, tỏi vào thức ăn của gà, vịt con để phòng bệnh. Khoảng 2 – 3 ngày/lần cho gà uống nước tỏi pha loãng. Cách dùng: Chọn 2 – 3 củ tỏi to, xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt, để trong không khí 15 – 20 phút sau đó hòa nước cho gà uống, bã tỏi rải quanh chuồng cho gà ngửi mùi. Ngoài ra, đối với gà khỏe mạnh, có thể đổ nước tỏi vào máng cho gà tự tìm đến uống. Cách làm này tuy có tốn nhiều công sức nhưng bảo đảm an toàn phòng, chống bệnh cúm gà.

Vịt bị toi: Dùng lá ngải cứu + hương nhu đốt xông đầu hướng gió cho vịt và xông thuốc nhiều lần trong thời gian có dịch cũng cho hiệu quả tốt. Trong cây thuốc, hoạt tính kháng khuẩn thường không chỉ một chất mà gồm nhiều chất hỗ trợ nhau nên là một kiểu phối hợp kháng sinh tốt.

Bệnh tụ huyết trùng gà (bệnh gà chết toi): Sử dụng 3 miếng than đước (bằng ngón tay), 3 lát gừng tươi, 8 hạt tiêu, 3 tép tỏi để sắc thuốc.

Bệnh bạch lỵ (bệnh hô hấp): Dùng 12g lá xoài, 12g lá trầu không, 16g lá ngải cứu, 16g lá lốt để sắc thuốc cho gà uống.

Thảo dược trong chăn nuôi

Bệnh Newcastle (bệnh gà rù): Có 2 phương pháp phổ biến để điều trị: 20g rễ cây lá lốt, 15g thương truật, 15g gừng phơi khô, 1 củ gừng tươi, 50g hoa kinh giới, 25g bạc hà, 25g lá tía tô, 25g kim ngân hoa, 25g liên kiều. Ngoài ra còn có: 15g hoàng nàn, 15g tía tô, 10g hương phụ, 10g bạc hà, 10g xương bồ, 16g nọc sởi, 16g trắc bá diệp, 16g chút chít, 12g hoàng đằng, 20g hoàng liên, 15g nhục đậu khấu, 10g sa nhân, 10g chỉ xác, 5g quế chi, 2g nha đam.

Bệnh hô hấp CRD: 20g ba chẽ, 16g hương nhu, 16g trắc bá diệp, 12g nha đam, 12g ké đầu ngựa.

Lưu ý: Các bài thuốc trên có thể sắc cho gà uống hoặc trộn vào thức ăn với liều lượng cho 10 – 12 con gà lớn.

Ngoài ra, cho gia cầm ngửi khói quả bồ kết định kỳ 5 – 7 ngày/lần, làm mũi gà, vịt thông thoáng, phòng hiệu quả các bệnh về đường hô hấp. Trộn bột gừng, tỏi và nghệ vào thức ăn không những giúp gà, vịt nuôi tăng sức đề kháng, tăng trọng lượng mà còn làm tăng tỷ lệ đẻ trứng.

Các loại thảo dược

Ở nước ta có nhiều loại cây cỏ chứa các hoạt chất có khả năng kháng khuẩn như: Hành, hẹ, tỏi, gừng, nghệ, mơ lông, sả… Đây là những kháng sinh thực vật sử dụng phòng, trị nhiều bệnh ở trâu, bò, heo, gà, đã cho thấy hiệu quả lại ít độc tính.

Tỏi (Garlic): Là một trong những loại thảo mộc được sử dụng phổ biến nhất cho sức khỏe ở cả người và động vật, trong tỏi có chứa hoạt chất allicin, là một chất kháng khuẩn tự nhiên.

Tác dụng: Kháng khuẩn, kháng virus, kháng viêm, chống ôxy hóa. Cùng với việc tăng cường hệ thống miễn dịch tỏi cũng tham gia vào điều chỉnh chức năng gan, kích thích hệ thống đường tiêu hóa giúp chống lại và điều trị các bệnh nhiễm trùng.

Trong một tuần có thể bổ sung 1 – 2 lần với liều lượng khuyến cáo, không nên sử dụng với liều cao có thể gây hại cho gà.

Kinh giới (Oregano): Cây kinh giới có tên tiếng anh là oregano – một chất kháng khuẩn tự nhiên được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi những năm gần đây nhằm thay thế các hoạt chất kháng sinh.

Tác dụng: Oregano không chỉ tăng cường miễn dịch mà còn đảm nhiệm chức năng giải độc cơ thể, hỗ trợ sức khỏe đường hô hấp (long đờm, ấm cổ) giảm hiện tượng hen, viêm đường hô hấp và hệ thống sinh sản của gia cầm nhờ các hoạt chất như: Carvacrol và Thymol đều có công dụng kháng khuẩn đường ruột cũng như kháng ôxy hóa trong cơ thể vật nuôi. Bằng cách bổ sung oregano thường xuyên sẽ giúp đàn gia cầm chống lại bệnh nhiễm trùng, loại bỏ độc tố trong cơ thể, tăng sức đề kháng.

Quế (Cinnamon): Là loại thảo mộc phổ biến được sử dụng trong chăn nuôi gia cầm, các hoạt chất chính trong quế là: trans-cinnamaldhyde (có trong vỏ), eugenol (có trong lá) và long não (có trong rễ).

Tác dụng:  

  • Kháng khuẩn: ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn như Clostridium spp, Enterobacter spp, Enterococcus spp, E.coli, Pasteurella multocida, Staphylococcus spp, Streptococcus spp…, giảm viêm và chống ôxy hóa. Ứng dụng tốt trong giai đoạn úm khi thời tiết lạnh và nồm ẩm.
  • Chống nấm: ức chế hoạt động của một số loại nấm Aspergillus spp, Candida albicans và Microsporum spp. 
  • Chống ve đỏ trên gia cầm: Quế được phát hiện là một chất xua đuổi bán hiệu quả đối với mạt, ve đỏ ở gia cầm. 
  • Lợi ích về đường tiêu hóa: Bột quế hoặc các dẫn xuất của nó có tác động tích cực đến tiêu hóa, hấp thu, hoạt động của hệ vi sinh vật đường ruột, khả năng miễn dịch, cũng như cải thiện việc sử dụng thức ăn.

Xạ hương (Thyme): Cỏ xạ hương chứa đầy omega 3 giúp hỗ trợ sức khỏe não và tim cũng như giàu Vitamin A, C và B6, chất xơ, sắt, riboflavin, magie và canxi, các chất này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trứng. Công dụng: Giảm stress; Chống ký sinh trùng: Kháng khuẩn, hỗ trợ làm giảm nhiễm trùng và hỗ trợ hệ hô hấp phát triển mạnh mẽ.

Bạc hà (Mentha piperita): Hoạt chất chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu bạc hà. Tỷ lệ tinh dầu trong bạc hà thường từ 0,5 đến 1%, có khi có thể lên tới 1,3 – 1,5%.

Công dụng:

  • Chống côn trùng: tinh dầu bạc hà có hoạt tính diệt ấu trùng đối với muỗi Aedes aegypti, Anopheles stephensi và Culex quinquegaasiatus.
  • Chất lượng trứng: việc bổ sung lá bạc hà khô hoặc tươi vào khẩu phần ăn của gà đẻ đã giúp làm tăng đáng kể trọng lượng trứng, sản lượng trứng, khối lượng trứng và lượng thức ăn.
  • Chống giun sán: tinh dầu bạc hà có hiệu quả trong việc giảm số lượng Eimeria spp. gây bệnh cầu trùng ở gà.
  • Kháng virus: Dầu bạc hà cũng được chứng minh là có lợi trong việc chống lại bệnh Newcastle ở gà.