Phòng và điều trị bệnh viêm đa xoang (Glasser) trên heo

Phòng và điều trị bệnh viêm đa xoang (Glasser) trên heo

Viêm đa xoang trên heo là một bệnh truyền nhiễm do Haemophilus Parasuis (H.parasuis) gây ra cho heo trên mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là heo con 4 - 8 tuần tuổi. Bệnh tồn tại dai dẳng, gây ra những hậu quả lớn cho người nuôi.

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn Haemophilus Parasuis (H.parasuis) gây ra cho heo trên mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là heo con 4 - 8 tuần tuổi.

Vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vào cơ thể rồi khu trú tại đường hô hấp trên của heo như xoang mũi hay hạch amidan. Khi các yếu tố stress như thay đổi thời tiết, di chuyển đàn, dịch PRRS, cúm heo hay circo... xuất hiện và tấn công cơ thể heo làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, từ đó vi khuẩn tăng độc lực và di chuyển vào máu đến các cơ quan: Màng não, màng bụng, màng phổi, màng tim, khớp.

Triệu chứng

Thể cấp tính: Heo bị mắc bệnh Glasser trở nên ốm yếu rất nhanh, thân nhiệt tăng 40 - 410C, bỏ ăn, thở nhanh và một biểu hiện đặc trưng là ho ngắn 2 - 3 cái, tím 4 chân, viêm khớp và đi lại khó khăn. H. parasuis tấn công vào màng bao khớp, màng thanh dịch của ruột, phổi, tim và não gây viêm mủ sợi thường kết hợp với hô hấp, viêm màng bao tim, viêm phúc mạc và viêm màng phổi có thể gây chết đột ngột.

Thể mạn tính: Heo bệnh thường nhợt nhạt và phát triển chậm. Tỷ lệ nhiễm bệnh khoảng 10 - 15%. Khi viêm màng bao tim kéo dài có thể gây chết. Cần phải loại những heo bị bệnh mạn tính vì điều trị sẽ không có hiệu quả.

Bệnh tích

Bệnh Glasser trên heo khi mổ khám sẽ phát hiện nhiều bệnh tích đặc trưng thường thấy như: Viêm thanh dịch phủ fibrin xoang bao tim, viêm thanh dịch phủ fibrin màng phổi, viêm thanh dịch phủ fibrin xoang phúc mạc với đặc trưng tích nhiêu mủ sợi huyết màu trắng, các xoang tích lượng thanh dịch lớn.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh dựa trên tiền sử bệnh trong trại, triệu chứng lâm sàng. Heo có bệnh tích viêm có sợi huyết (fibrin) ở khớp, phổi, màng bao tim, màng bụng…

Sử dụng phương pháp PCR, ELISA, phản ứng ngưng kết huyết thanh và nuôi cấy phân lập vi khuẩn từ các mô bệnh (màng ngoài tim, màng phổi).

Phòng bệnh

Định kỳ vệ sinh, sát trùng chuồng trại. Tiêm phòng vaccine đầy đủ theo khuyến cáo của cán bộ thú y.

Phòng bệnh viêm đa xoang trên heo bằng vaccine: Tiêm vaccine cho heo nái (có thể tiêm phòng 4 và 2 tuần trước khi đẻ). Miễn dịch thụ động phòng nhiễm sớm cho heo con theo mẹ (< 3 tuần).

Điều chỉnh lại tiểu khí hậu chuồng nuôi như: Giảm mật độ nuôi, tăng thông thoáng chuồng nuôi, lưu ý khi vận chuyển heo, giảm các yếu tố gây stress, kiểm soát tốt bệnh tai xanh (PRRS), circo, cúm heo…

Thường xuyên bổ sung vào thức ăn đầy đủ dưỡng chất cần thiết giúp heo khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt.

Trị bệnh

Sử dụng loại kháng sinh nhạy cảm như: Amoxicillin, Cefalexin, Penicillin + Stretomycin, Ampicillin, Ceftiofur, Tulathromycin… Sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Kháng viêm: Ketoprofen, Dexamethasone.

Trợ sức trợ lực: Gluco + K + C, Butaphosphan + Cyanocobalamin.

Tách riêng heo có biểu hiện bệnh để tiện theo dõi và chăm sóc, tránh lây lan sang những cá thể khác trong đàn. Dựa vào các biểu hiện đặc trưng như heo hay co cụm và run rẩy.

Cần điều trị sớm, đặc biệt với trường hợp viêm màng não. Cần phân biệt với viêm màng não do liên cầu heo, sử dụng phương pháp phân lập vi khuẩn từ tế bào não.

Quan sát biểu hiện bệnh ở heo con theo mẹ và tiêm penicillin 3 - 4 ngày để phòng bệnh.

Điều trị là biện pháp tốt nhất, tiêm Penicillin/Streptomycin, Trimethoprim/Sulpha, Ceftiofur hoặc Penicillin tổng hợp.

- Điều trị trong 2 - 3 ngày.

- Hòa tan Amoxycillin hoặc Phenoxymethylpenicillin vào nước uống từ 4 - 5 ngày khi thấy có nguy cơ bệnh.

- Điều chỉnh lại tiểu khí hậu chuồng nuôi như: Giảm mật độ nuôi, tăng thông thoáng chuồng nuôi, lưu ý khi vận chuyển, giảm các yếu tố gây stress, kiểm soát tốt PRRS, circo, cúm heo...Sau thời gian điều trị bệnh bằng kháng sinh cần bổ sung men tiêu hóa 2 - 3 ngày giúp ổn định hệ vi sinh vật đường ruột, B - Complex giúp tiêu hóa tốt hơn, vật nuôi hồi phục nhanh.