Phòng và điều trị các bệnh về mắt ở dê
Nguyên nhân
Dê bị viêm mắt do nguyên nhân cơ học, sau đó nhiễm khuẩn kế phát trong quá trình chăn thả hoặc nuôi nhốt tại chuồng bị dị vật như que, gai hoặc các loại lông, lá cây, bụi bẩn và chất thải rơi vào mắt. Viêm mắt do các vi khuẩn kế phát từ các bệnh gây viêm vú, viêm phổi, viêm khớp, viêm phế mạc... Hay do xung đột giữa các con dê trong đàn, có thể bị trúng vào mắt. Các yếu tố gây nguy hiểm bao gồm cỏ khô nhiều bụi, gió, nắng chói và bụi; Gia súc đông; Cỏ dài; Ruồi; Vi khuẩn; Virus…
Viêm kết mạc không truyền nhiễm: Viêm kết mạc ở từng cá thể xảy ra do bị kích ứng bởi cỏ khô (đặc biệt nếu được cho ăn từ giá đỡ trên cao), bụi, gió, nắng chói, chấn thương cục bộ, dị vật trong kết mạc, hoặc do dị ứng.
Viêm kết mạc truyền nhiễm: Viêm kết mạc truyền nhiễm (mắt đỏ hay bệnh mắt truyền nhiễm) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc trưng bởi tình trạng viêm kết mạc và giác mạc ở một hoặc cả hai mắt.
Bệnh viêm giác mạc trên dê (bệnh nguy hiểm do Chlamydia).
Triệu chứng lâm sàng
Khi dê bị các bệnh về mắt có thể dễ dàng nhận biết bằng các triệu chứng bên ngoài gồm:
Với bệnh nhẹ, người nuôi sẽ thấy vùng lông, da dưới mắt ướt sũng do dê chảy nước mắt nhiều sau đó kết mạc mắt đỏ và sưng. Sau vài ngày niêm mạc mắt xung huyết nặng, giác mạc mắt bị mờ một phần ở giữa hoặc mờ đục hoàn toàn nếu nặng hơn thì có thể thấy loét giác mạc, con vật đau mắt khó chịu, mắt nhắm hờ và hay nháy mắt. Nếu cả 2 mắt bị mờ hoặc loét thì thấy dê sút cân rõ rệt do dê không ăn được. Một số con viêm mắt nhưng mắt không bị loét thì có thể tự khỏi trong 1 - 2 tuần.
Phòng bệnh
- Giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tránh cho vi khuẩn xâm nhập.
- Chú ý nơi chăn nuôi tránh các vật cản va quẹt vào mắt dê. Chăm sóc đàn dê khi chăn thả không bị ngã hay húc nhau.
- Nên loại bỏ các dị vật trong chuồng nuôi trước khi cho dê vào chuồng.
Điều trị
Khi dê có triệu chứng viêm cần tiến hành rửa mắt bằng dung dịch nước muối loãng nồng độ 15‰ hoặc dùng nước sôi để nguội rửa sạch bụi bẩn, ngoại vật và các chất nhầy.
Dùng các loại thuốc nhỏ mắt dạng mỡ như Tetracyclin bôi vào mắt dê sẽ đem lại hiệu quả tốt, các loại thuốc nhỏ mắt nhóm Chloramphenicol có tác dụng rất tốt nhưng không dùng cho dê nuôi lấy sữa vì kháng sinh sẽ tồn lưu trong sữa. Trường hợp mắt kéo màng, dùng sulphát kẽm 10% nhỏ 2 - 3 lần/ngày. Nếu đàn dê mắc nhiều hoặc mắc các bệnh như viêm vú hay viêm phổi, cần phải điều trị triệt để bằng kháng sinh cho khỏi các bệnh trên và kết hợp với vệ sinh và dùng thuốc nhỏ mắt.
Các dị vật: Có thể nằm sau mí mắt thứ 3 và cần được loại bỏ cẩn thận khi dê được giữ chặt. Nên tiêm thuốc an thần hoặc sử dụng thuốc gây tê tại chỗ như 0,5% proparacaine. Sau khi loại bỏ dị vật, điều trị như đối với viêm kết mạc nhiễm trùng.
Chấn thương giác mạc: Nếu loét giác mạc đơn giản và các vết rách không xuyên thấu có thể được điều trị bằng thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ và nhỏ atropine 1%; Atropine nên được sử dụng để làm đồng tử giãn vừa phải và ngừng ngay khi đạt được điều này và con vật cảm thấy thoải mái hơn. Vạt mí mắt thứ 3 có thể được sử dụng để hỗ trợ chữa bệnh; Tạo ra một loại “miếng che mắt” thay thế bằng cách dán một mảnh vải chống nước lên lông xung quanh vùng ảnh hưởng, sử dụng chất kết dính gia súc (cao động vật). Mắt cần được làm sạch và kiểm tra dị vật trước khi bọc giác mạc. Tiêm penicilin vào kết mạc giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.
Ngoài ra, có thể lấy máu từ con vật bị ảnh hưởng để cho đông lại và gạn lấy huyết thanh, 0,5 - 1 ml huyết thanh được tiêm dưới kết mạc vào mỗi mắt bằng kim cỡ 23. Huyết thanh rò rỉ ra ngoài qua lỗ tiêm trong vài ngày tới, thúc đẩy quá trình chữa lành. Trong khi vết loét lành lại, mắt có thể được bảo vệ bằng cách khâu 2 mí lại với nhau.