Phòng và điều trị một số bệnh giun sán ở vịt
Bệnh do giun chỉ
Bệnh giun chỉ ở vịt hay con gọi là bệnh u bướu vịt gây ra bởi Avioserpen Taiwana. Đây là một loại ký sinh trùng khu trú dưới da cổ, hầu, đùi… của vịt tạo thành các khối u.
Triệu chứng: Khi mới phát bệnh vịt có triệu chứng như: Sưng vùng trán, mắt, sau đó lan dần tới cổ, các bộ phận dưới da, hàm dưới chỗ cuống lưỡi. Một thời gian sau đó vịt gầy, chậm lớn, ăn uống giảm, khó thở nặng.
Điều trị: Khi vịt mắc bệnh có thể can thiệp ngoại khoa, mổ chỗ giun tập trung để lấy bọc ký sinh ra, sau đó bôi các dung dịch sát trùng ở nồng độ vừa phải như Iodua 2%, NaCl 5%, thuốc tím 0,5%... Ngoài ra, có thể dùng thuốc tiêm trực tiếp vào khối u như Diphevit, Levamisol theo chỉ định của nhà sản xuất hoặc dùng thuốc tẩy ký sinh trùng Mebendazol…
Phòng bệnh: Tránh không chăn thả vịt ở những nơi có nguồn nước bẩn. Chuồng trại phải bảo đảm vệ sinh, thông thoáng trong và ngoài; nền cao, không gồ ghề, thoát nước tốt, lát gạch hoặc xi măng nhám, chất độn khô sạch; hướng phù hợp, tránh gió lùa vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Diện tích phải bảo đảm theo từng giai đoạn của vịt, ví dụ vịt nuôi chăn thả giai đoạn 1 - 10 tuần tuổi phải là 32 con/m2 chuồng, diện tích chăn thả cần 0,2 ha/100 vịt. Sau mỗi lứa vịt phải dọn vệ sinh chuồng nuôi, cọ rửa sạch sẽ, để khô ráo, sau đó tẩy uế, phun thuốc sát trùng và để trống chuồng 5 - 7 ngày rồi nuôi đợt mới. Nên bố trí nơi cho vịt ăn, uống ở ngoài chuồng để giữ chuồng khô sạch.
Bệnh sán dây
Bệnh do sán dây fimbriaria fasciolaris gây ra. Sán này có chiều dài 200 - 300 mm, đầu gai rất nhỏ, có 4 giác, mõm có 10 móc. Sán phát triển nhanh về chiều rộng và hình thành đầu gai giả. Khi hình thành đầu gai giả, đầu gai thật rụng đi. Thân sán không phân đốt rõ rệt. Buồng trứng hình lưới là chung cho cả thân sán. Vịt mắc sán dây này sau khi nuốt phải loài cyclops diaptomus đã bị nhiễm màng vĩ ấu sán dây. Pimbriaria ở trong cơ thể cyelops (ký chủ trung gian) là 7 - 12 ngày, ở trong cơ thể vịt là 9 ngày. Vịt con từ khi nở ra đến 2 - 3 tháng tuổi mắc sán dây rất nặng. Vịt mắc bệnh ỉa chảy, sán được thải ra ngoài từng đoạn; theo phân. Vịt con có thể bị chết. Nơi có mầm bệnh lâu năm có thể thấy ở vịt mái đẻ 2 - 3 năm tuổi mắc bệnh này.
Chẩn đoán: Mắt thường hàng ngày quan sát trên bãi phân vịt thấy có những đoạn sán dây 3 - 5 cm trắng như que tăm hoặc là khi vịt bơi lội dưới nước thấy có đoạn sán dây thải ra ngoài còn dính ở đít vịt. Mổ xác vịt chết rửa sạch ruột non thấy có nhiều sán dây.
Điều trị: Thường tẩy sán dây fimbriaria cho vịt bằng filixen, liều lượng 0,3 g/kg thể trọng. Có thể dùng hạt bí đỏ cho vịt ăn tự do, liều dùng 30 - 50 g/con. Tẩy cho từng con có thể dùng dung dịch arecolin với độ pha loãng 1:1.000, liều lượng 1 - 4 ml cho 1 vịt. Cũng có thể dùng bột hạt cau tươi để tẩy loại sán này.
Bệnh sán dây Ligula
Ấu trùng sán này sống trong xoang đại thể loại giáp xác cyclops. Sán trưởng thành ký sinh trong ruột vịt có chiều dài 6 - 31 cm, rộng 2,5 - 8 mm không có đầu gai giới hạn rõ rệt. Thân có hình dây. Ở vịt mắc bệnh sán trưởng thành thải trứng theo phân ra ngoài đầm, hồ, ao. Trứng phát triển thành ấu trùng ký sính ở các loại giáp xác. Một số loài cá ăn phải ấu trùng ở trong cơ thể giáp xác. Ấu trùng lớn chậm trong cơ thể cá 12 - 14 tháng. Khi vịt ăn cá thì bị nhiễm ấu trùng sán này. Ấu trùng lớn rất nhanh, sau 45 - 60 giờ thì thành sán ligula trưởng thành với cơ quan sinh dục đầy đủ. Sán ligula thường sinh trong ruột vịt 5 - 9 ngày. Vịt bị bệnh có tỷ lệ chết cao vì sán làm cho tắc ruột.
Điều trị: Dùng bột hạt cau, liều lượng 0,1 - 0,2 g, cũng có thể dùng filixen với liều lượng 0,3 g/kg thể trọng.
Phòng bệnh: Cần phải kiểm tra môi trường chăn thả vịt xem có giáp xác không để có biện pháp phòng trừ. Thường xuyên dọn sạch chuồng trại cho vịt. Cho vịt ăn đủ khẩu phần bằng các loại cám tốt đầy đủ dinh dưỡng, che chắn chống gió lùa, chăn thả muộn trong những ngày giá rét, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm khô vào mùa đông để giúp cơ thể vịt tăng khả năng chống bệnh.