Phú Thọ: Phát triển nuôi giun quế mang lại nhiều lợi ích cho nông nghiệp và môi trường
Trong định hướng phát triển nông nghiệp hiện nay ngày càng chú trọng đến yếu tố bền vững và thân thiện với môi trường, mô hình nuôi giun quế là một giải pháp đa giá trị, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Quá trình tái chế hiệu quả chất thải hữu cơ không chỉ cung cấp nguồn phân hữu cơ chất lượng cao cho trồng trọt mà tạo ra nguồn protein là giun sử dụng để nuôi gia cầm, cá, lươn, ếch… và sản phẩm chế biến từ giun là bột giun cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc.
Mô hình nuôi giun quế được thực hiện khá đơn giản với các nguyên liệu sẵn có là phân động vật trâu, bò, lợn, dê hoặc các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã mía, rau củ thừa… Giun quế có khả năng phân hủy nhanh chóng các chất hữu cơ này và chuyển hóa chúng thành phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng. Quy trình nuôi giun bắt đầu từ việc chuẩn bị một khu vực nuôi phù hợp, đảm bảo các yếu tố cơ bản như độ ẩm, nhiệt độ và thức ăn. Giun quế được thả vào môi trường có độ ẩm từ 60 – 70%, sử dụng các loại phân ủ hoai để tránh nhiệt độ cao hoặc chất độc hại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của giun.
Phân giun hay còn gọi phân trùn quế có thể được khai thác sau 2 – 3 tháng kể từ khi bắt đầu nuôi. Sau khi giun đã phân huỷ chuyển hóa hết nguồn thức ăn, phân giun được tạo thành ở dạng mùn tơi xốp, màu đen hoặc nâu sẫm, không còn mùi khó chịu. Phân giun quế giàu dinh dưỡng, chứa các nguyên tố cần thiết cho cây trồng như: Đạm, lân, kali giúp cây trồng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở giai đoạn sinh trưởng; hỗ trợ phát triển rễ và quá trình ra hoa, đậu quả; tăng cường sức đề kháng của cây, cải thiện chất lượng nông sản và đặc biệt nhóm vi sinh vật hữu ích có khả năng phân giải chất dinh dưỡng trong đất, từ đó giúp cây trồng hấp thụ dễ dàng hơn. Ngoài ra cũng giúp cải thiện cấu trúc đất, cải tạo đất tại các khu vực canh tác lâu năm, đất bạc màu hoặc đất bị thoái hóa do lạm dụng phân hóa học tăng độ tơi xốp và khả năng giữ nước cho đất.
Sau 2 – 3 tháng nuôi, khi thu hoạch phân giun cũng đồng thời thu hoạch giun, Giun quế là nguồn thức ăn lý tưởng cho gia cầm (gà, vịt), thủy sản (cá, tôm) và các loài vật nuôi đặc biệt như lươn, ếch nhờ giá trị dinh dưỡng cao và tính an toàn sinh học. Thành phần dinh dưỡng của giun quế chứa 60-70% protein thô, vượt trội so với nhiều nguồn thức ăn tự nhiên khác, giúp tăng cường sức khỏe đóng vai trò thiết yếu trong quá trình phát triển của vật nuôi và thuỷ sản.
Qua nhiều nghiên cứu cho thấy gia cầm (gà, vịt, ngan và chim cút…) ăn giun quế giúp tăng cường sức đề kháng, phát triển nhanh, cải thiện chất lượng trứng, thịt và ít mắc bệnh đường ruột. Đối với thủy sản (cá, tôm…) giun quế là thức ăn giàu dinh dưỡng, giúp tăng trọng nhanh, cải thiện màu sắc và chất lượng thịt, đồng thời cũng giúp bổ sung hệ vi sinh có lợi, tăng khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng trong môi trường nước. Đối với lươn, ếch, ba ba rất ưa thích giun quế, vì đây là nguồn thức ăn tự nhiên, kích thích chúng ăn uống tốt hơn, giảm tỷ lệ chết trong quá trình nuôi. Ngoài ra bột giun là nguồn nguyên liệu giàu protein và axit amin, thường được sử dụng để sản xuất thức ăn cho gia cầm, thủy sản và vật nuôi đặc biệt. Nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi đang tăng cường sử dụng bột giun để giảm phụ thuộc vào bột cá, vốn có giá thành cao và nguồn cung hạn chế.
Mô hình nuôi giun quế của HTX nông nghiệp hữu cơ Tân Thành
Anh Lương Văn Dũng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Tân Thành, địa chỉ tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông cho biết: Chúng tôi đã gắn bó với con giun quế 12 năm nay, giun quế là động vật dễ thích ứng với môi trường và có tốc độ sinh sản nhanh; nguồn nguyên liệu nuôi giun được sử dụng phân gia súc, rơm rạ, thân cây ngô đều là những nguyên liệu sẵn có tại địa phương… Về kinh tế, người nuôi có thể thu nhập từ nguồn bán giun giống, phân giun và sản phẩm chế biến từ phân giun với chi phí đầu tư ban đầu thấp, chủ yếu tận dụng các nguồn phế phẩm và lao động nông nhàn. Doanh thu của HTX đạt hơn 4 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí lãi trên 500 triệu đồng.
Với những giá trị vượt trội về kinh tế, môi trường và xã hội, mô hình nuôi giun quế ngày càng khẳng định vai trò trong chuỗi giá trị nông nghiệp tuần hoàn, là hướng đi đầy triển vọng, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh và bền vững.