Quảng Nam, Đà Nẵng: Trên 15.000 ha cây trồng nguy cơ khô hạn
Trong khi các tỉnh phía Bắc đang phải gồng mình đối phó với cơn bão số 3 thì trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng tiếp tục không có mưa khiến cho hàng vạn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, diện tích thiếu nước tưới tăng lên từng ngày.
Hồ chứa lớn vẫn đảm bảo nước tưới
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung – Tây Nguyên, tại lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, lượng mưa từ đầu mùa mưa đến nay thấp so với mức TBNN, tương đương 84,83%, do lượng mưa thấp cùng với nắng nóng liên tục khiến cho lượng nước trong các hồ thủy lợi giảm nhanh.
Đến nay tổng dung tích hữu ích của 17 hồ thủy lợi tại lưu vực Vu Gia – Thu Bồn còn lại là 106,9 triệu m3/423,68 triệu m3, đạt 25,24% so với thiết kế, thấp hơn so với TBNN là 12,5%.
Một số hồ có dung tích trữ rất thấp như: Phú Ninh (21%), Phú Lộc (18%), Cây Thông (11%), Đồng Nghệ (8%), Hố Giang (21%). Đối với 19 công trình nằm trong vùng dự báo lấy nước dọc sông chính thì mực nước bình quân tháng tới tại các vị trí công trình đều cao hơn so với mực nước bể hút thiết kế.
Đối với nguồn nước trữ tại các hồ chứa thủy điện tham gia bổ sung nước cho hạ du, hiện tại mực nước đều ở mức rất thấp (tổng dung tích hữu ích các hồ chỉ còn lại 105,15 triệu m3, đạt khoảng 8,91% dung tích hữu ích thiết kế), đặc biệt, hồ Sông Tranh 2 có mực nước thấp hơn 1,51m so với mực nước chết. Lượng nước bổ sung cho hạ du của các hồ thủy điện là khoảng 103,5m3/s.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung – Tây Nguyên, hiện các vùng canh tác đang triển khai vụ hè thu, theo tính toán thì từ nay đến cuối vụ tại 17 hồ chứa thủy lợi tại lưu vực Vu Gia - Thu Bồn cần khoảng 68 triệu m3. Từ kết quả tính toán cần bằng nước và dự báo khả năng đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh thì các công trình thủy lợi đáp ứng đủ nước tưới cho 18.214,87ha, dự kiến đến cuối vụ hè thu còn lại khoảng 58,01 triệu m3 (đạt tỷ lệ 13,69% so với dung tích thiết kế).
Đối với các công trình lấy nước dọc sông chính đều có khả năng đảm bảo cấp đủ nước cho 7.1115,95ha. Tuy nhiên do hiện nay mặn đã xâm nhập vào sâu với nồng độ vượt ngưỡng cho phép và ảnh hưởng rất lớn tới khả năng cấp nước tưới của một số trạm bơm như Vĩnh Điện, Cẩm Sa, Tứ Câu...
Hàng vạn hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Theo số liệu, đến nay trong vùng đã có 24.040 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó Quảng Nam 23.700 hộ, TP Đà Nẵng 340 hộ, nếu trong thời gian tới nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra thì khả năng số hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ tiếp tục tăng lên.
Đối với sản xuất, tỉnh Quảng Nam có diện tích gieo trồng trong vụ hè thu là 78.243ha, trongđó lúa khoảng 40.000ha, còn lại là các loại cây trồng khác, TP Đà Nẵng có 2.985 cây trồng, trong đó lúa 2.243ha. Đến nay toàn lưu vực có 3.430 ha diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn những diện tích này chủ yếu nằm ngoài phạm vi hệ thống công trình thủy lợi có dung tích lớn. Trong đó Quảng Nam có 3.100ha, tập trung ở các vùng TX Điện Bàn 1.640ha, huyện Duy Xuyên 1.460ha; Đà Nẵng bị ảnh hưởng khoảng 330ha. Đặc biệt khả năng diện tích bị hạn hán của hai địa phương này có thể tăng lên 15.600ha nếu tiếp tục nắng nóng.
Kênh ngoài hệ thống thủy lợi lớn trơ đáy.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung – Tây Nguyên, đối với các công trình thủy lợi lớn nằm trong hệ thống dự báo đều đảm bảo cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do các vùng trên lưu vực đang trong các tháng mùa khô nên lượng dòng chảy đến các hồ dự báo sẽ thấp. Vì vậy cần phải quản lý chặt chẽ nguồn nước, chủ động tiết kiệm nước, lập kế hoạch tưới một cách hợp lý để đảm bảo nguồn nước cho cả vụ hè thu 2019.
Đối với các trạm bơm bị xâm nhập mặn, các ngành chức năng cần bố trí cán bộ túc trực ngày đêm để quan trắc, theo dõi lấy nước khi nồng độ mặn xuống ngưỡng cho phép. Đối với vùng sản xuất nông nghiệp nằm ngoài phạm vi của các công trình thủy lợi cần tích trữ nước, sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, nạo vét kênh mương thường xuyên, giảm tổn thất bốc hơi mặt ruộng, chuẩn bị sẵn các máy bơm nước dự phòng để bơm nước ứng cứu khi cần thiết...