Quảng Nam: Phát triển nền nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững, hiện đại

Quảng Nam: Phát triển nền nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững, hiện đại
Ngày 15/3, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 20 ngày 31/10/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp; trong đó có nhiệm vụ phát triển nền nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững, hiện đại. Theo đó, cùng với phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

Đầu tư phát triển các khu - cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn, có chính sách thu hút khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thu hút lao động nông thôn. Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - nông nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại, các chủ thể sản xuất OCOP.

Kế hoạch nhấn mạnh công tác chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng. Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

Cụ thể về nông nghiệp: tập trung phát triển các cây trồng, con vật nuôi chủ lực, có lợi thế và ổn định để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (lúa giống, rau, quả, dược liệu, tôm, bò, heo, gà, gỗ nguyên liệu...). Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Hình thành các vùng chuyên canh đồng bộ về kết cấu hạ tầng, dịch vụ, phát triển công nghiệp chế biến.

Chuyển đổi nhanh và giảm diện tích sản xuất lúa năng suất và hiệu quả thấp, bấp bênh sang phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái và thị trường. Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ gắn với đảm bảo bền vững môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung theo phương pháp công nghiệp, an toàn sinh học. Hình thành và phát triển các trại giống hạt nhân hiện đại. Bố trí quỹ đất dành cho chăn nuôi tập trung ở các vùng xa khu dân cư và mật độ dân số thấp.

Về thủy sản: phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Phát triển và ổn định vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, trên biển gắn với phát triển kinh tế biển. Đầu tư nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện khu neo đậu tránh trú bão, các cảng cá; xúc tiến nhanh hình thành các cơ sở hậu cần nghề cá.

Về lâm nghiệp: bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đáp ứng mục tiêu về môi trường kết hợp phục vụ du lịch; phát triển, phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Nâng cao hiệu quả, chất lượng rừng trồng sản xuất, phát triển trồng rừng gỗ lớn, các vùng nguyên liệu tập trung đạt tiêu chuẩn bền vững. Phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng. Phát triển và ổn định kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng...