Quảng Ngãi: Lợn chết hàng loạt sau khi tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi
Chia sẻ với báo VTC News, Nhân dân,...ông Võ Minh Hồng (trú thôn Bình Nam, một hộ chăn nuôi ở xã Tịnh Bình (huyện Sơn Tịnh) cho biết, đàn lợn của gia đình ông tổng cộng 16 con, gồm 4 lợn nái, 2 lợn thịt và 10 lợn con. Hơn 1 tuần trước, thú y địa phương đến nhà tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi cho 6 con lợn của gia đình (4 con lợn nái, 2 con lợn thịt), sau đó lợn bỗng dưng xuất hiện các triệu chứng: bỏ ăn, sốt, tím tái toàn thân, xuất huyết. Dù cố gắng chăm sóc, chữa trị nhưng 3 trong 6 con được tiêm vaccine đã chết, 10 lợn con mới đẻ bú sữa mẹ cũng chết theo.
Ông Võ Minh Hồng rất lo lắng vì số lợn còn lại của gia đình cũng đang bỏ ăn.
Không chỉ hộ gia đình ông Võ Minh Hồng, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở các xã Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Thọ và Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh), với hàng trăm con lợn cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự sau tiêm vaccine dịch tả lợn Châu Phi.
Bà Phan Thị Thu Thủy, cán bộ thú y xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh) nghi ngờ lợn chết là do tiêm vaccine, bởi lợn của người dân đang mạnh khỏe nhưng khi tiêm vaccine thì đều bị phản ứng thuốc, sau đó bị chết.
Qua tìm hiểu được biết, một lọ vaccine mang nhãn hiệu NAVET-ASFVAC được cán bộ thú y địa phương mua với giá 950 nghìn đồng để tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi cho các hộ chăn nuôi. Mỗi lọ có 25 liều tiêm.
Loại vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi tiêm do CTCP Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất.
Thông tin với báo chí, ông Ngô Hữu Hạ (Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, khi tiếp nhận thông tin lợn chết sau khi tiêm vaccine, cán bộ của Chi cục đã trực tiếp đi kiểm tra và nhận thấy lợn bị phản ứng sau tiêm vaccine rất nhiều.
"Theo thống kê ban đầu, 538 con lợn bị phản ứng sau khi tiêm vaccine. Chi cục đã có văn bản gửi tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh về việc dừng ngay tiêm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.
Cũng theo ông Hạ, Chi cục đã tổ chức 2 - 3 đoàn đi kiểm tra thực tế, lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng IV xét nghiệm, xác định rõ nguyên nhân; đồng thời, thống kê cụ thể số lợn chết để tiến hành tiêu hủy bắt buộc. Chi cục cũng đã làm việc với Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương NAVETCO và phía Công ty cam kết sẽ hỗ trợ thuốc tiêm giải độc đối với số lượng có triệu chứng.
Tại các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên cũng xuất hiện hiện tượng lợn chết sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thông báo cho Công ty Navetco để doanh nghiệp này làm việc với các hộ chăn nuôi đã tiêm vaccine phòng dịch tả lợn do đơn vị này sản xuất" - ông Hạ nói và thông tin thêm, loại vaccine phòng dịch tả lợn do Công ty Navetco sản xuất được Cục Thú y cho phép, tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 với hơn 60 nghìn liều ở 19 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tịnh cho hay, loại vaccine được sử dụng để tiêm phòng là loại vaccine NAVET- ASFVAC (vaccine dịch tả lợn châu Phi nhược độc đông khô), chủng ASFV-G-Delta I177L do CTCP thuốc Thú y Trung ương NAVETCO sản xuất.
Loại vaccine này đã được tiêm cho đàn lợn tại các xã Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Thọ và Tịnh Hà. Qua khai báo của các hộ chăn nuôi và Thú y hành nghề tư nhân, vaccine được mua tại cửa hàng thuốc Thú y Thiện Nghĩa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi). Tổng số lợn đã được tiêm là 258 con; sau khi tiêm 5 - 7 ngày, lợn có triệu chứng bỏ ăn, nằm li bì, trong đó tại xã Tịnh Hà đã xuất hiện tình trạng lợn chết. Hiện lực lượng chức năng đang kiểm đếm con số thiệt hại cụ thể.
Tại các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên cũng xuất hiện hiện tượng lợn chết sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, thống kê của chi cục Phú Yên, toàn tỉnh này đã tiêm vaccine Nevet - Asfvac cho gần 600 con lợn. Đến trưa 24/8, có 410 con heo có phản ứng, trong đó hơn 100 con heo ở 24 hộ chăn nuôi ở 4 huyện, thị xã đã chết. Riêng huyện Phú Hòa, có 18 hộ chăn nuôi với hơn 80 con bị chết.
Còn tại Bình Định, với 905 liều vaccine sử dụng có kiểm soát, hướng dẫn của cơ quan thú y theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y từ 21/7 đến nay, các đàn heo thịt của các cơ sở đảm bảo an toàn sinh học được tiêm đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Tuy nhiên, do thông tin sử dụng 905 liều vắc xin DTHCP NAVET-ASFVAC có hiệu quả, cùng với dịch bệnh DTHCP tại tỉnh Bình Định nguy cơ bùng phát, người chăn nuôi, thú y cơ sở đề nghị được cung cấp vaccine để tự tiêm phòng cho các loại heo (heo nái, đực giống, heo con theo mẹ và heo thịt) với tổng cộng 4.950 liều. Hậu quả hơn 250 con heo nái, đực giống, heo con theo mẹ, heo thịt phản ứng, chết tại 66 hộ chăn nuôi.