Quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn Halal

Quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn Halal
Chứng nhận Halal là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của người Hồi giáo khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ. Do đó, điều kiện tiên quyết để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này là các cơ sở cần phải tuân thủ quy định về thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn Halal.

Yêu cầu cơ sở sản xuất tiêu chuẩn Halal

Cơ sở phải có hệ thống lưu hồ sơ riêng đối với mỗi đơn vị sản xuất, bao gồm lịch sử và toàn bộ hoạt động nông nghiệp được thực hiện tại đơn vị sản xuất đó. Hồ sơ cần được lưu trữ sao cho dễ theo dõi, dễ truy nhập và phải được cập nhật.

Vị trí và việc thiết kế, xây dựng cơ sở (bao gồm các đơn vị sản xuất) phải thuận tiện để làm sạch và kiểm soát sinh vật gây hại.

Tất cả các hồ sơ ghi chép phải luôn sẵn có và được lưu trữ ít nhất 24 tháng, trừ khi có quy định cụ thể.

Cơ sở phải có quy trình vệ sinh được lập thành văn bản và có các bảng hướng dẫn vệ sinh đặt tại các vị trí dễ quan sát đối với nhân viên và khách tham quan khi hoạt động của họ có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Cơ sở cần có quy trình phòng ngừa tai nạn và tình huống khẩn cấp. Cơ sở cần thông báo hoặc đặt biển cảnh báo tai nạn tại những nơi dễ thấy và dễ tiếp cận. Phải giải thích rõ bằng ngôn ngữ dễ hiểu đối với người lao động hoặc bằng hình ảnh. Các quy trình, nếu có thể, cần bao gồm: Bản đồ hoặc địa chỉ của đơn vị sản xuất, tên người liên lạc; danh sách cập nhật các số điện thoại quan trọng (cảnh sát, cứu thương, bệnh viện, cứu hỏa, y tế, điện lực, nước).

Cơ sở phải có phương tiện, thiết bị và hóa chất thích hợp dùng để làm sạch theo mục đích sử dụng dự kiến, các phương tiện, thiết bị và hóa chất này phải được bảo quản và sử dụng đúng cách.

Toàn bộ người lao động, khách tham quan và nhà thầu phụ phải được trang bị quần áo và dụng cụ bảo hộ lao động phù hợp.

Cơ sở phải có quy trình kiểm tra hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy trình này phải được lập thành văn bản và được thực hiện hàng năm.

Con giống

Con giống phải được xác nhận, có bố mẹ nuôi theo quy trình Halal.

Cơ sở cần lưu giữ hồ sơ về nguồn, loại giống và giống nhập vào và/hoặc việc thụ tinh nhân tạo (đối với gia súc).

Giống vật nuôi sử dụng trong chăn nuôi phải là các động vật được phép sử dụng làm nguồn thực phẩm nêu trong 3.1.1 của TCVN 12944:2020.

Chuồng trại

Không gian sàn chuồng trại phải có đủ chỗ tương ứng với mật độ nuôi.

Việc thông gió (tự nhiên hay nhân tạo) phải có hiệu quả và phù hợp với loại vật nuôi nhằm duy trì nhiệt độ, môi trường không khí thích hợp và để ngăn chặn tích tụ hơi nước.

Chuồng nuôi phải được duy trì trong điều kiện sạch sẽ và vệ sinh.

Sàn của chuồng phải được bảo trì để tránh trơn trượt và tránh căng thẳng cho động vật.

Cần có sẵn hệ thống chiếu sáng cho phép kiểm tra động vật khi trời tối.

Chuồng nuôi (trong nhà và ngoài trời) không được có các vị trí nhô ra, góc, hàng rào hoặc máy móc sắc nhọn có thể gây thương tích cho vật nuôi.

Tất cả các vật nuôi có thể nhìn thấy nhau, kể cả động vật còn non, ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng (ví dụ: lồng cách ly bệnh).

Không được nuôi giữ chung vật nuôi Halal với các động vật không Halal.

Thức ăn, nước uống

Tất cả vật nuôi phải được tiếp cận đủ với nước sạch, kể cả khi được chăn thả.

Thành phần nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu nêu trong TCVN 13709:2023.

Thức ăn hỗn hợp phải được sản xuất từ nhà cung cấp đã được phê duyệt.

Cơ sở phải lưu nhãn hiệu của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã sử dụng, cũng như bằng chứng về nguồn gốc thức ăn và thành phần nguyên liệu.

Tất cả nguyên liệu thức ăn mua vào được lưu trữ tại cơ sở đều phải truy xuất nguồn gốc được đến nhà cung cấp.

Thành phần protein của khẩu phần ăn chỉ được thu từ các loại rau, sữa, trứng hoặc cá (bột cá không được làm thức ăn cho động vật nhai lại).

Nếu cơ sở tự phối trộn thức ăn chăn nuôi phải thiết lập công thức phối trộn cho các loại thức ăn hỗn hợp.

Các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật được sử dụng trong sản xuất thức ăn tự trộn phải phù hợp với mục đích, an toàn cho sản xuất thức ăn chăn nuôi/sản xuất thực phẩm, được đánh giá nguy cơ và có khả năng truy xuất nguồn gốc.

Cơ sở phải có quy trình xử lý dư lượng thuốc thú y trong thức ăn chăn nuôi.

Cơ sở phải có quy trình để đảm bảo rằng hệ thống cho vật nuôi ăn được làm sạch thường xuyên.

Sức khỏe vật nuôi

Tất cả các đơn vị sản xuất của cơ sở phải có người phụ trách về thú y.

Cơ sở phải có bản kế hoạch về sức khỏe thú y được xây dựng, thực hiện, rà soát và cập nhật hàng năm, nội dung kế hoạch bao gồm việc phòng bệnh, tiêm vaccine, điều trị bệnh trong điều kiện thông thường, kiểm soát ký sinh trùng, môi trường chăn nuôi, an toàn sinh học, giảm sử dụng kháng sinh,…

Nếu vật nuôi đang mắc bệnh hoặc bị chấn thương, chúng phải được nhận diện và xử lý thích hợp.

Mỗi đơn vị sản xuất phải được trang bị cơ sở vật chất thích hợp để cách ly vật nuôi mắc bệnh hoặc bị thương.

Chỉ được sử dụng thuốc thú y khi cần thiết, hoặc khi được kê đơn bởi người hành nghề thú y hoặc cho các mục đích dự phòng (ví dụ như tẩy giun).

Thời gian đào thải đối với các loại thuốc thú y phải được tuân thủ nghiêm ngặt và được truyền đạt cho chủ sở hữu mới khi động vật được bán trong thời gian đào thải thuốc.

Nếu trong quá trình điều trị cần tiến hành phẫu thuật vật nuôi thì việc này phải được thực hiện bởi người nuôi có kinh nghiệm và/hoặc người hành nghề thú y có năng lực.

Mọi thiết bị thú y đều phải được giữ sạch và bảo trì đúng cách.

Khi phải giết mổ hoặc tiêu hủy khẩn cấp đối với vật nuôi bị nạn, các nguyên tắc nhân đạo phải được tôn trọng.

Tiểu khí hậu tại chuồng nuôi (ví dụ: Lưu thông không khí, nhiệt độ, nồng độ khí và hàm lượng bụi) cần được giữ ở mức không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vật nuôi.

Vật nuôi tại mọi thời điểm nếu cần điều trị và xử lý thì phải thực hiện sao cho chúng hạn chế bị đau, thương tổn và bệnh tật.

Sử dụng thuốc, hóa chất

Cơ sở chỉ dùng những thuốc thuộc danh mục thuốc thú y được phép sử dụng.

Cơ sở cần có chính sách lập thành văn bản về việc giảm lượng kháng sinh sử dụng và việc này phải được đánh giá và xem xét thường xuyên. Việc sử dụng kháng sinh cần được giảm tới mức chấp nhận được.

Việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Cơ sở phải thông báo cho khách hàng trực tiếp nếu đã sử dụng chất kích thích tăng trưởng.

Nếu không sử dụng chất kích thích tăng trưởng cho toàn bộ vật nuôi trong chuồng thì phải có quy trình nhằm tránh nguy cơ nhiễm chéo giữa các vật nuôi.

Hồ sơ quản lý chất kích thích tăng trưởng phải được lưu giữ.

Hồ sơ quản lý việc sử dụng thuốc phải được lưu giữ (bao gồm: tên sản phẩm, mã số lô, ngày cấp phát, định danh vật nuôi/nhóm được điều trị, số vật nuôi được điều trị, tổng lượng thuốc đã sử dụng, ngày kết thúc điều trị, ngày kết thúc thời hạn đào thải thuốc, tên người cấp phát thuốc,…).

Xử lý vật nuôi đã chết

Cơ sở phải có lò đốt để tiêu hủy vật nuôi đã chết.

Vận chuyển

Thiết bị vận chuyển tiếp xúc trực tiếp với động vật phải chuyên dụng để vận chuyển động vật Halal và không được sử dụng qua lại để vận chuyển heo.

Các phương tiện vận chuyển tiếp xúc trực tiếp với động vật và đã được sử dụng để vận chuyển heo phải được làm sạch bằng sertu theo luật Hồi giáo và sau đó không được sử dụng để vận chuyển heo.

Halal: theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc “được phép dùng”. Thuật ngữ này thường được dùng trong đời sống của người Hồi giáo để mô tả cái gì đó/ điều gì đó là được phép ăn/uống/ sử dụng hoặc thực hiện.

Haram: Đối lập với Halal là Haram, nghĩa là “trái luật” hoặc “bị cấm”.

Chứng nhận Halal là một chứng nhận xác nhận rằng  các sản phẩm và dịch vụ hướng đến người Hồi giáo đáp ứng các yêu cầu của luật Hồi giáo và do đó phù hợp để tiêu dùng ở cả các quốc gia đa số theo đạo Hồi và ở các nước phương Tây nơi có nhiều nhóm dân số theo đạo Hồi (Pháp , Đức, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha).

  • Là một quá trình đảm bảo các tính năng và chất lượng của sản phẩm theo các quy tắc được thiết lập bởi Hội đồng Hồi giáo cho phép sử dụng nhãn hiệu Halal.
  • Chủ yếu được áp dụng cho các sản phẩm thịt và các sản phẩm thực phẩm khác như sữa, thực phẩm đóng hộp và các chất phụ gia. Cụ thể, đối với các sản phẩm thịt, Halal chứng nhận rằng động vật đã được giết mổ trong một lần cắt, được làm khô kỹ lưỡng và thịt của chúng không được tiếp xúc với động vật được giết mổ khác và đặc biệt là với thịt lợn.
  • Các sản phẩm được chứng nhận Halal thường được đánh dấu bằng biểu tượng Halal, hoặc đơn giản là chữ M, và có logo Halal được chứng nhận trên mỗi sản phẩm.