Quy trình kỹ thuật nuôi vịt bầu cánh trắng thương phẩm

Quy trình kỹ thuật nuôi vịt bầu cánh trắng thương phẩm
Vịt bầu cánh trắng được xem là giống vật nuôi có năng suất cao, chất lượng thịt tốt, vượt trội hơn hẳn so các giống vịt cỏ thông thường. Bên cạnh đó, vịt bầu trắng còn dễ nuôi, khả năng kháng bệnh tốt, phù hợp với cả mô hình trang trại bán thâm canh và thâm canh.

Chuồng trại

Chuồng nuôi phải đảm bảo cao ráo, thoáng mát, hướng Ðông hoặc Ðông Nam để tránh gió lạnh vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Tùy theo điều kiện, chuồng nuôi có thể lát nền bằng gạch hay xi măng, đảm bảo độ dốc 3 - 5%, giúp tiện lợi cho việc vệ sinh. Vật liệu làm chuồng có thể sử dụng tre, nứa, gỗ hay xi măng.

Bên trong chuồng nuôi, yêu cầu phải được chia khu vực gột vịt con, khu vực nuôi vịt hậu bị và khu vực nuôi vịt thịt riêng.

Lồng úm: Có thể úm vịt trên lồng hay trên nền. Với lồng úm được làm từ gỗ, tre, nứa, khung sắt. Kích thước yêu cầu của mỗi lồng úm là 1 x 2 x 0,5 m và úm 150 con trong tuần đầu.

Quây: Ðối với quây thường làm bằng dây cót có độ dài khoảng 5 m, cao 0,5 m. Mỗi quây tròn có thể nuôi được 60 - 70 con vịt. Chuẩn bị máng ăn, máng uống, đèn sưởi đầy đủ.

Rèm che: Ðược dùng để che xung quanh chuồng nuôi vịt và có thể sử dụng bằng vải, bạt dứa hoặc phên liếp để không cho gió lùa, mưa hắt vào.

Chất độn chuồng: Cần được xử lý cẩn thận bằng thuốc tím, phơi khô, rải dày 8 - 10 cm.

Chọn giống

Chọn giống đảm bảo có các điểm đặc trưng của vịt bầu cánh trắng.

- Ðảm bảo con giống không bị dịch bệnh, phải có nguồn gốc rõ ràng.

- Giống vịt con khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Lông bóng mượt, rốn khô, mắt sáng, chân mập, cứng cáp và nhanh nhẹn.

- Nên chọn những con vịt được nở đúng ngày (28 ngày) vì nếu vịt nở sớm hay muộn thì đều không tốt, khi đó tỷ lệ hao hụt đàn vịt là rất cao.

Mật độ nuôi

Tùy theo tuần tuổi của vịt mà mật độ nuôi sẽ có sự khác nhau, cụ thể như sau:

Tuần tuổi

Mật độ

1

20 - 25 con/m2

2

10 - 15 con/m2

3

6 - 7 con/m2

Tuần thứ 4 trở đi cho đến lúc xuất chuồng

4 - 5 con/m2

Nhiệt độ nuôi

Vịt bầu trắng mới mua về cần phải được sưởi ấm trong thời gian 2 - 3 tuần đầu tiên. Ðảm bảo nhiệt độ ban ngày và ban đêm phải ổn định để vịt thích nghi tốt nhất. Ðàn vịt sẽ có những biểu hiện lạ khi nhiệt độ ở trong chuồng úm không đạt yêu cầu. Cần theo dõi thường xuyên để điều chỉnh nhiệt độ bên trong chuồng nuôi vịt cho phù hợp.

- Nếu nhiệt độ trong chuồng nuôi quá lạnh, đàn vịt sẽ có xu hướng tụ lại bên dưới bóng đèn.

- Nếu nhiệt độ trong chuồng nuôi quá nóng, đàn vịt sẽ có xu hướng tản ra khỏi bóng đèn.

- Chuồng úm nếu bị gió lùa thì đàn vịt sẽ tụ lại ở một góc lồng úm.

- Khi nhiệt độ ở trong chuồng úm vừa phải, vịt sẽ ăn uống và sinh hoạt bình thường.

Người nuôi cũng cần phải đảm bảo duy trì ẩm độ cho vịt khoảng 60 - 70%. Bên cạnh đó, lồng úm cũng cần duy trì được sự thông thoáng nhất định.

Các giai đoạn chăm sóc

Giai đoạn 1 - 3 ngày tuổi: Sau khi vịt nở được 4 giờ mới cho ăn. Lúc này thức ăn cho vịt chủ yếu là cơm chín hoặc ngô được xay nhuyễn rồi nấu chín để nguội. Trung bình cứ 3 - 4 kg gạo nấu lên sẽ cho khoảng 100 con vịt ăn một ngày. Ngoài ra, nên chia nhỏ lượng thức ăn thành 4 - 5 bữa và rải đều lên giấy trải trên nền chuồng để vịt tập ăn.

Giai đoạn 4 - 10 ngày tuổi: Cho vịt ăn cơm nấu chín được trộn cùng với rau xanh, rêu băm nhuyễn. Ngoài ra hãy tập cho vịt ăn tôm, ruốc, tép… Nếu nuôi theo hình thức thả đồng thì ở giai đoạn này nên tập cho vịt xuống tắm nước khoảng 5 - 10 phút mỗi ngày rồi sau đó tăng dần lên 30 phút.

Giai đoạn 11 - 16 ngày tuổi: Gạo, ngô vỡ mảnh chỉ được ngâm với nước cho trương mềm rồi cho vịt ăn. Ðợi đến khi vịt được 15 ngày tuổi, bắt đầu cho vịt chuyển dần sang ăn lúa nấu chín và bổ sung thêm một số loại rau xanh, cua, ốc, tôm băm nhuyễn…

Giai đoạn 17 - 30 ngày tuổi: Tiếp tục cho vịt ăn lúa nấu chín. Ðến khi vịt quá 20 ngày tuổi thì tập cho ăn lúa sống và cám viên tự ép.

Giai đoạn 30 ngày tuổi trở đi: Nếu nuôi vịt theo hình thức nhốt chuồng, cần đảm bảo mật độ, độ ẩm thích hợp cho vịt. Còn với vịt nuôi chăn thả thì duy trì mật độ từ 10 ha ruộng lúa cho 2.000 - 3.000 vịt bầu trắng. Cho vịt ăn cám viên tự ép kết hợp cùng rau xanh, vitamin. Thường xuyên thay rửa máng ăn, máng uống cho vịt hàng ngày. Theo dõi đàn vịt để kịp thời phát hiện bệnh cũng như điều trị đúng cách, tránh gây thiệt hại cho đàn vịt.

Giai đoạn vỗ béo: Cần tập trung điều chỉnh lượng thức ăn cho vịt, giảm lượng thức ăn chứa ít chất dinh dưỡng, không hấp dẫn. Nếu nuôi thả đồng thì giai đoạn này phải nhốt vịt lại ở khu vực cao ráo, thoáng mát, trong chuồng bố trí máng ăn, máng uống đầy đủ. Thời gian vỗ béo khoảng 5 - 7 ngày, nếu như kéo dài 9 - 10 ngày thì vịt sẽ khó bán. Thức ăn thích hợp để vỗ béo cho vịt là bột ngô, bột thóc, cám gạo, bột cá 3% và các loại thức ăn bổ sung.

Nước uống: Ðảm bảo cung cấp nguồn nước uống cho chúng sạch sẽ, không lạnh dưới 120C nếu là vịt con và không lạnh dưới 80C đối với vịt 2 - 3 ngày tuổi. Ngoài ra, cũng nên tránh dùng nước quá nóng, tốt nhất là 22 - 230C.

Phòng bệnh

Ðể phòng bệnh cho vịt bầu cánh trắng cần tuân thủ những yêu cầu như sau:

- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thiết bị chăn nuôi.

- Thức ăn, nước uống cho vịt phải đảm bảo sạch và đầy đủ chất dinh dưỡng.

- Sau mỗi đợt chăn nuôi vịt phải vệ sinh chuồng trại, khử trùng đầy đủ mới được nuôi đợt mới.

- Xử lý chất thải và gia cầm chết để tránh dịch bệnh lây lan.

Tiêm phòng cho vịt đúng quy định của các bác sĩ thú ý để ngăn ngừa bệnh tật.