Rà soát tổng thể, đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo tăng trưởng
Nguy cơ dịch bệnh rất lớn
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 20 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 11 tỉnh, thành phố, giảm 56% số ổ dịch so với cùng kỳ năm ngoái 2022; 547 ổ dịch tả heo châu Phi tại 44 tỉnh, giảm 55% số ổ dịch so với cùng kỳ; 25 ổ dịch lở mồm long móng tại 12 tỉnh; 5 ổ dịch tai xanh tại tỉnh Cao Bằng và Quảng Bình; 106 ổ dịch viêm da nổi cục tại 15 tỉnh, giảm gần 58% số ổ dịch so với năm ngoái; 5 ổ dịch bệnh nhiệt thán tại 3 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên.
Riêng trong nửa đầu tháng 11/2023, cả nước xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Quảng Nam; 31 ổ dịch tả heo châu Phi tại 13 tỉnh; 2 ổ dịch viêm da nổi cục tại tỉnh Đắk Lắk.
Tính đến ngày 14/11/2023, cả nước còn 128 ổ dịch chưa qua 21 ngày, trong đó: 121 ổ dịch tả heo châu Phi của 28 tỉnh; 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Quảng Nam; 3 ổ dịch viêm da nổi cục tại hai tỉnh Đắk Lắk và Bến Tre; 1 ổ dịch lở mồm long móng tại Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch xuất nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật cũng được Cục Thú y triển khai quyết liệt. Ông Long cho biết: Cục Thú y đã ban hành 75 văn bản gửi tới cơ quan có thẩm quyền của các nước xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam yêu cầu cung cấp điều kiện vệ sinh thú y, thông tin, tình hình dịch bệnh, hệ thống quản lý, giám sát dịch bệnh, nhà máy sản xuất; xác minh các Giấy chứng nhận kiểm dịch. Đồng thời, tổ chức rà soát, chấn chỉnh công tác kiểm dịch nhập khẩu các sản phẩm bột thịt xương động vật, các loại thịt đông lạnh nhất là thịt trâu, thịt heo, gia cầm, các loại phụ phẩm động vật, hàng gia công, chế biến xuất khẩu, hàng tạm nhập, tái xuất…
Đáng chú ý, thời gian quan, Cục Thú y đã ban hành 53 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với tổng số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Phối hợp với lực lượng chức năng tại cửa khẩu xử lý 79 vụ vi phạm với tổng số 24.600 quả trứng gia cầm; 345.260 con động vật và 24.260 kg sản phẩm động vật nhập lậu.
Tập trung kiểm soát dịch bệnh và nhập lậu
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Chi cục Thú y Vùng 2 cho biết đang rà soát lại dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Khu vực này chủ yếu là vùng núi, các điểm chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều, điều kiện tiếp cận với vaccine khó khăn nên dịch bệnh vẫn còn xảy ra rải rác. Cùng đó, Chi cục Thú y Vùng III cũng khẩn trương cử cán bộ tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ, chấn chỉnh hiện tượng vứt xác gia súc trên sông…
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm, Cục trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định: Cục Thú y sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật báo cáo tình hình dịch bệnh trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS). Hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện 6 Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT; Tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, đặc biệt dẩy mạnh công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị ngành thú y cần tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ nhất là dịp cuối năm. Vấn đề nhập lậu qua biên giới cũng rất nóng, nếu các đơn vị không quản lý tốt thì chăn nuôi không thể phát triển. Tiếp nữa là công tác quản lý thuốc thú y, tiêm phòng vaccine cũng cần được quan tâm, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và thực hiện, đặc biệt với vaccine dịch tả heo châu Phi. “Cục Thú y cần rà soát tổng thể các nhiệm vụ, quyết tâm thực hiện sát sao hơn nữa để góp phần cùng với toàn ngành đảm bảo mục tiêu tăng trưởng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.