Rào cản ngành chăn nuôi cuối năm
Nhiều thách thức
Rabobank nhấn mạnh, chi phí thức ăn chăn nuôi đã bắt đầu hạ nhiệt từ hồi đầu năm, tạo cơ hội mở rộng ngành chăn nuôi và thúc đẩy tiêu thụ các loại thịt vào nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, áp lực dịch bệnh và các rào cản thương mại, bao gồm cuộc điều tra chống bán phá giá của Trung Quốc đối với thịt heo nhập khẩu từ châu Âu sẽ là những yếu tố rủi ro lớn cho tăng trưởng của ngành chăn nuôi toàn cầu.
Các chuyên gia phân tích tại Rabobank đang lo ngại kết quả của cuộc điều tra chống bán phá giá có thể tác động tới thị trường châu Âu và tạo sóng lan tỏa ra thị trường toàn cầu. Chenjun Pan, một chuyên gia phân tích cấp cao ngành hàng protein động vật tại RaboResearch nhận định rằng, việc tạm dừng xuất khẩu của châu Âu hay mức thuế tăng cao đều có nguy cơ làm thay đổi dòng chảy thương mại của sản phẩm thịt heo toàn cầu khi Trung Quốc tìm được nguồn cung mới và thịt heo của châu Âu rẽ hướng sang thị trường khác.
Chenjun Pan nói thêm, nếu các nhà xuất khẩu của châu Âu đưa ra chiết khấu để hấp dẫn thị trường mới, các nước nhập khẩu sẽ phải cần đến công cụ hỗ trợ và bảo vệ các hãng chăn nuôi địa phương. Trong khi đó, các nước xuất khẩu khác có thể đối diện nguy cơ mất thị trường truyền thống trước sản phẩm thịt heo giá rẻ của châu Âu.
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018 đã làm thay đổi thị trường chăn nuôi toàn cầu. Một số sản phẩm chăn nuôi của Mỹ yếu thế cạnh tranh trước đối thủ Trung Quốc do thuế quan cao hơn. Trong khi đó, Brazil lại trở thành “ngư ông đắc lợi”. Rabobank kỳ vọng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có thể mang lại những thay đổi tích cực về chính sách thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, sự kiện chính trị này cũng có thể kéo theo vài bất ổn khó lường cho các thể chế thương mại toàn cầu trong những năm tới.
Bà Chenjun Pan giải thích, trước những lo ngại ngày càng gia tăng về gián đoạn thương mại do sự phức tạp của địa chính trị, nhiều chính phủ đã hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước nhằm tăng khả năng tự cung tự cấp và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Nắm bắt cơ hội
Chi phí thức ăn hạ nhiệt đã góp phần xoa dịu phần nào thách thức của ngành chăn nuôi và mở ra cơ hội gia tăng sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Theo Allaboutfeed, nguồn cung ngũ cốc và các loại hạt dầu được cải thiện, thậm chí dồi dào, sẽ tạo áp lực giảm giá thức ăn chăn nuôi trong nửa cuối năm 2024. Trong bối cảnh thương mại và chính trị bất ổn, thì đây là một tín hiệu tích cực đối với các hãng chăn nuôi, đồng thời là động lực để họ mở rộng quy mô sản xuất. Chenjun Pan cho biết, chi phí thức ăn thấp hơn ở hầu hết khu vực trên thế giới đã cải thiện lợi nhuận chăn nuôi và góp phần gia tăng năng suất. Tại châu Âu và Mỹ, nhiều vùng nuôi đã bắt đầu tái thiết đàn heo nái bởi giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang tiếp tục giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt tăng lên.
Theo Rabobank, một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam và Philippines có thể khan hiếm nguồn cung thịt heo trong nửa cuối năm 2024 do dịch bệnh bùng phát. Các khu vực khác, gồm châu Âu và Mỹ lại chứng kiến nguồn cung thịt heo tăng nhẹ. Sự phục hồi đàn heo nái có thể nhanh hơn dự kiến, đặc biệt ở Trung Quốc và châu Âu. Do đó, sản lượng thịt nửa cuối năm nay và đầu năm tới sẽ tăng bất chấp dịch bệnh tái phát ở một số vùng nuôi, Pan nhận định.
Một diễn biến tích cực nữa đối với ngành chăn nuôi cuối năm là nhu cầu tiêu dùng tương đối ổn định, nhất là đối với các sản phẩm thịt gia cầm và heo. Trong khi đó, thị trường Đông Nam Á được xem là đầy triển vọng với sản phẩm thịt gia cầm với nhu cầu tiêu thụ tăng 13 triệu tấn trong giai đoạn 2023 – 2030. Rabobank kết luận, nhu cầu tiêu thụ thịt ổn định hơn nhờ lạm phát hạ nhiệt và kinh tế bắt đầu tăng trưởng dù chậm hơn. Những điều này đã nâng cao triển vọng cho toàn ngành chăn nuôi nửa cuối năm.