Rầy gây hại lúa xuân

Rầy gây hại lúa xuân
Tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, rầy nâu và rầy lưng trắng đã gây hại 3.657 ha, trong đó có nặng 1.845 ha, mật độ rầy cục bộ có nơi đến 10.000 con/m2.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, diện tích lúa khu vực Duyên hải Nam Trung bộ xuống giống được 234.814 ha. Hiện nay lúa chủ yếu đang trong giai đoạn đòng trỗ - chín. Các đối tượng sinh vật gây hại chủ yếu giai đoạn này như:

Rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại 3.657 ha, trong đó có nặng 1.845 ha, mật độ 750 - 2.000 con/m2, có diện tích 5.000 con/m2, cục bộ có một số diện tích lên đến 10.000 con/m2.

Cùng với đó, bệnh đạo ôn lá gây hại 1.192 ha, diện tích bị nặng có 9 ha, tỷ lệ bệnh 5 - 10%, một số diện tích lên đến 40%. Bệnh đạo ôn cổ lá và cổ bông diện tích nhiễm 138 ha, tỷ lệ bệnh 2,5 - 10%.

Rầy hại lúa Xuân

Rầy di chuyển từ gốc lên đòng khi mật độ cao, thiếu thức ăn.

Trước tình hình trên, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật) đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đã tiến hành kiểm tra thực tế và chỉ đạo phòng trừ.

Qua kiểm tra thực địa, đoàn công tác đánh giá rầy chủ yếu ở tuổi 3, tuổi 5, rầy cánh dài đang di chuyển từ các trà sớm giai đoạn chín - thu hoạch sang các trà muộn giai đoạn đòng - trỗ. Dự báo từ nay đến cuối vụ, rầy nâu và rầy lưng trắng có nguy cơ bùng phát, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy rầy diện rộng.

Rầy hại lúa Xuân

Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung kiểm tra sinh vật gây hại trên lúa.

Tại Bình Định, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định đã tiến hành điều tra, dự tính dự báo và hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm tránh rầy nâu và rầy lưng trắng lây lan gây hại trên diện rộng, địa phương đã tiến hành cấp phát thuốc và hướng dẫn phòng trừ rầy ở những vùng có mật độ rầy cao.

Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đề nghị Chi cục các tỉnh cần triển khai thực hiện các nội dung công tác sau:

Thứ nhất, phân công cán bộ bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tham mưu và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương nhằm tuyên truyền và hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại có nguy cơ bùng phát cao.

Thứ hai, đặc biệt chú ý rầy nâu và rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn gây hại giai đoạn đứng cái - đòng - trỗ.

Đề nghị Chi cục các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung để chỉ đạo bảo vệ tốt sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022.