Rầy nâu nở rộ vào dịp Tết có khả năng gây hại nặng trên lúa
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Hậu Giang cho biết, thời tiết trong những ngày Tết vừa qua sáng sớm có sương mù nhiều, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao là điều kiện rất thuận lợi cho một số sinh vật gây hại phát triển và gây hại nặng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Điều kiện thời tiết cũng thuận lợi cho một số bệnh xuất hiện và gây hại nặng trên lúa giai đoạn đòng, trổ như đốm vằn, vàng lá chín sớm.
Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được 73.352 ha, hiện lúa chủ yếu đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng… Qua điều tra đồng ruộng, đã ghi nhận một số diện tích nhiễm sinh vật gây hại, gồm có ốc bươu vàng, bọ trĩ, rầy nâu, trên các trà lúa phân bố ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành A và TP Vị Thanh. Ngoài ra, ghi nhận sự xuất hiện muỗi hành, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, sâu phao, rầy cánh trắng và bệnh khô vằn, chủ yếu gây hại nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể.
Dự báo, bệnh đạo ôn lá có khả năng phát triển mạnh trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh, đặc biệt trên các giống lúa mẫn cảm như Đài Thơm 8, OM 18… Bệnh bạc lá (cháy bìa lá) có khả năng gây hại nặng trên ruộng lúa giai đoạn đòng, trổ nhất là những ruộng gieo sạ dày các giống RVT, OM5451,… và bón thừa phân đạm.
Qua theo dõi bẫy đèn và kết quả điều tra đồng ruộng cho thấy có đợt rầy cám nở rộ từ ngày 22-27/01 (nhằm ngày mùng 1-7 tháng Giêng) trên trà lúa giai đoạn nhánh đến đòng, trổ. Khả năng mật số cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây do điều kiện vụ Đông Xuân năm nay rất thuận lợi cho rầy nâu phát triển, gây hại nặng trên lúa.
Do đó, cần tăng cường thăm đồng thường xuyên, triển khai tập huấn cho nông dân về tình hình sinh vật gây hại trên từng giai đoạn và hướng dẫn cách phòng trị kịp thời, đạt hiệu quả cao. Cần chú ý các vùng có trồng giống lúa thơm chất lượng cao như OM5451, RVT, Đài Thơm 8, ST 24, ST 25…
Khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như: Giữ nước thích hợp trong ruộng từ 3-5 cm theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Bón phân cân đối, đầy đủ, không bón thừa đạm trên các trà lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến đòng trổ. Tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi phun thuốc phòng trừ dịch hại trên lúa.