Sẵn sáng ứng phó với cúm gia cầm

Sẵn sáng ứng phó với cúm gia cầm

Mặc dù đại dịch COVID-19 có thể đã nhấn chìm dịch cúm mùa xuống mức thấp nhất trong lịch sử, thế nhưng với cúm gia cầm, hiện vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Ðây được xem là một trong những thách thức lớn cho nỗ lực phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Phủ bóng ở nhiều nước

Thời gian qua, ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới đang đối mặt với đợt dịch cúm gia cầm ngày một nghiêm trọng. Theo số liệu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), hơn 40 quốc gia khắp châu Âu, châu Á và châu Phi đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm kể từ tháng 5/2021.

Tại châu Âu, hàng triệu gia cầm đã bị tiêu hủy vào mùa đông năm 2020 do dịch bệnh. Số ca cúm gia cầm năm 2021 tăng sớm hơn bình thường. Ðặc biệt, trong nửa đầu tháng 11/2021, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở nhiều nước châu Âu, ghi nhận nhiều điểm dịch, với các chủng virus cúm gia cầm khác nhau. Cụ thể, tại Ba Lan, nước nuôi gà nhiều nhất lục địa châu Âu, đã phải tiêu hủy hơn 1 triệu con gia cầm kể từ đầu tháng 11.

Gà tây ở Ðan Mạch và ngỗng ở Ðức cũng bị virus cúm tấn công. Tại Pháp cũng vừa phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm trong các đàn gà đẻ trứng sau khi phải tiêu hủy nhiều trại vịt vào đầu năm nay. Anh cũng đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay. Dịch cúm gia cầm hiện đã lây lan tới 40 địa điểm khác nhau trên khắp nước này, khiến các trang trại nuôi gà tại đây phải tiêu hủy 500.000 con.

Ðã có 24 đợt bùng phát trong toàn bộ mùa cúm gia cầm 2020 - 2021. Ðây là một đòn mới giáng mạnh vào ngành chăn nuôi vốn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động và gia tăng chi phí sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Còn tại châu Á, theo OIE, Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng 11 thông báo các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới khiến gần 1 triệu gia cầm bị tiêu hủy.

Riêng ở Việt Nam, theo Cục Thú y, từ đầu năm đến tháng 11/2021, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 103 xã của 74 huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 402.314 con gia cầm (chiếm 0,08% tổng đàn gia cầm cả nước).

 

Cảnh giác cao

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Anh mà khắp các khu vực trên thế giới như châu Á, châu Âu… dịch cúm gia cầm đã có xu hướng tăng mạnh qua các năm. Mặc dù đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân nhưng giả thuyết cho rằng, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi mô hình di cư của các loài chim hoang dã, dẫn đến dịch bệnh ngày càng lây lan nhanh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều quốc gia đã ban hành các biện pháp phòng dịch khẩn cấp, yêu cầu tất cả trang trại chăn nuôi phải nuôi nhốt gia cầm, có hàng rào lưới sắt bảo vệ đàn gia cầm không tiếp xúc với các loài chim di cư hoang dã, vốn được cho là nguồn lây nhiễm mang virus cúm gia cầm trong tự nhiên. 

Mặc dù thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tốt hơn cho một đại dịch tiếp theo, nhưng vẫn có nguy cơ cao xảy ra đại dịch, đặc biệt là với dịch bệnh nguy hiểm như cúm. Không thể dự đoán trước được gì về bệnh cúm bao gồm nơi xảy ra và chủng virus gây đại dịch. Ðặc biệt, khi mọi nguồn lực đang tập trung dồn vào khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, người ta dễ bỏ qua mức độ nghiêm trọng cũng như những hậu quả mà dịch cúm gia cầm có thể gây ra cho con người.

Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các phòng thí nghiệm cộng tác tiếp tục giúp các nước tăng cường năng lực cảnh báo, giám sát và ứng phó. Vì vậy đã có nhiều nghiên cứu về virus được thực hiện nhằm hỗ trợ việc phát hiện và nâng cao hiểu biết về các chủng virus mới, đánh giá nguy cơ dịch bệnh và theo dõi sự lây lan quốc tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu loại này vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới, bao gồm cả các nghiên để phát triển vaccine có hiệu quả hơn và rút ngắn thời gian sản xuất.  

Sự lây lan của cúm gia cầm độc lực cao đã đặt ngành chăn nuôi vào tình trạng báo động sau khi các đợt bùng phát trước đó dẫn đến việc tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm. Thực trạng này cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà dịch tễ học vì virus cúm gia cầm có thể truyền sang người.