Sau chống rét là phòng bệnh để ‘cứu’ đàn gia súc
Ông Đinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cùng chúng tôi kiểm tra việc chống rét, giảm thiệt hại đàn trâu bò ở xã Trung Hóa. “So với những năm trước, năm nay đàn trâu bò bị thiệt hại khá lớn. Chúng tôi cũng đang nỗ lực để làm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi”.
Thiếu thức ăn, trâu bò sẽ chết nhiều
Trước tình hình rét đậm, rét hại do không khí lạnh tăng cường, xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, do nhiệt độ xuống thấp, cùng với ý thức người dân hạn chế, chuồng trại chăn nuôi không được che chắn, thức ăn thiếu nên dẫn đến nhiều gia súc chết do rét.
Người dân xã Trung Hóa (huyện Minh Hóa) bổ sung các loại rau, cỏ làm thức ăn cho trâu bò trong đợt rét.
Ông Đinh Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết, tính đến ngày 25/2, trên địa bàn xã đã có 25 con gia súc bị chết.
“Chính quyền xã cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp về các hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn bà con chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Tích cực tìm kiếm các nguồn thức ăn để đàn trâu bò không bị đói”.- ông Giáo cho hay.
Huyện miền núi Minh Hóa hiện có tổng đàn gia súc khoảng 35.000 con. Trong đó, đàn trâu khoảng 5.200 con, đàn bò gần 14 ngàn con.
Những ngày gần đây, đại đa số các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã chủ động đưa trâu, bò về nuôi nhốt có kiểm soát trong chuồng kín gió. Nhiều hộ còn tiến hành sưởi ấm, bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn ủ chua hoặc rơm ủ urê, các loại muối khoáng, vitamin để tăng sức chống chịu rét cho trâu, bò. Một số hộ đã dùng các loại chăn, áo cũ hoặc các vật liệu khác để khoác giữ ấm cho đàn vật nuôi.
Mở rộng diện tích trồng cỏ để đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.
Tuy nhiên, do đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ có thời điểm vào ban đêm chỉ từ 7-8 độ C nên gây thiệt hại đáng kể đến đàn trâu bò. Hiện, trên địa bàn huyện đã có trên 70 con gia súc bị chết do rét đậm, rét hại. Tập trung ở các xã: Thượng Hóa, Trung Hóa...
Theo ông Đinh văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện, nguyên nhân dẫn đến số lượng gia súc trên địa bàn chết nhiều là do rét đậm, rét hại đột ngột. Thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng lớn đến sức chống chịu của đàn gia súc.
“Ngoài ra, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống đói rét ở một số hộ dân còn hạn chế, chưa bảo đảm; vẫn còn tình trạng thả rông trâu, bò. Việc trâu, bò thiếu nguồn thức ăn cũng dẫn đến thiệt hại lớn cho bà con”.- ông Hương nhìn nhận.
Chúng tôi về xã Trung Hóa, nơi có số lượng trâu bò chết trong những ngày qua trên 20 con. Ông Cao Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã cho hay, toàn xã có đàn trâu bò gần 1.300 con. Trong đó, đàn bò có gần 600 con chủ yếu là giống bò lai sind.
Gia đình anh Cao Xuân Lanh tranh thủ làm vệ sinh chuồng trại cũng là giải pháp chống rét cho đàn bò.
Nhà ông Cao Xuân Lường (xã Trung Hóa) có đàn trâu 3 con. Những ngày mưa lạnh, ông cũng đã che chắn chuồng trại. Tuy nhiên, do thiếu thức ăn nên một con trâu bị chết. “Gia đình đành bán tháo thu được gần 3 triệu đồng. Tiếc đứt ruột, nhưng phải chịu”- ông Lường nói.
Sau đó, hàng ngày ông Lường mặc áo mưa, đội nón đi kiếm cỏ, nhổ rau khoai nhà đang trồng để tăng cường nguồn thức ăn cho mấy con trâu còn lại. Khi có đủ thức ăn cho trâu, ông cũng không mấy lo lắng nữa.
Cũng ở trong thôn, gia đình vợ chồng anh Cao Xuân Lanh có đàn bò 9 con. Nhà có vườn trồng cỏ nên dù trong rét hại anh vẫn đều đặn cắt cỏ thái rồi trộn với bột cám cho bò ăn để tăng dinh dưỡng có sức chống chịu với cái rét.
Cứ vài ba ngày, khi trời không mưa, anh Lanh lại mở cửa cho đàn bò ra vườn để chúng khỏi cuồng chân và dọn dẹp chuồng trại.
Hai vợ chồng dùng cuốc, xẻng cào, xúc phân trong chuồng ra ngoài. Nạo vét tạo rãnh xung quanh khu chuồng trại để tạo cho nền chuồng tránh bị ẩm ướt đọng nước. “Mùa tới, em sẽ mua rơm về dự trỡ để vào mùa lạnh có thêm thức ăn khô cho bò và trãi cho chúng nằm khô ráo và chống được rét”- vừa làm anh Lanh vừa nói.
Dưới chân đèo Đá Đẽo, anh Nguyễn Văn Chung (xã Trung Hóa), đang vác cây chuối rừng xếp gọn lên xe ba gác. Anh tranh thủ vào rừng từ sáng, kiếm chuối rừng mang về làm thức ăn cho đàn bò.
Người dân chịu khó kiếm cây chuối rừng về làm thức ăn cho trâu bò trong những ngày giá rét.
Anh Chung bảo: “Phải chịu khó vậy mới được. Xe chuối này mang về băm nhỏ, trộn cám, bột ngô muối để cho đàn bò ăn được trong khoảng chục ngày. Có nguồn thức ăn này thì đàn bò mới qua được đận rét hại này”.
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình thì đến ngày 25/2, toàn tỉnh có trên 100 gia súc (chủ yếu là trâu bò) bị chết. Trong đó tập trung tại huyện Minh Hóa. Số còn lại rãi rác ở các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thuỷ.
Sở NN-PTNT Quảng Bình đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về việc chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Ngoài việc khuyến cáo người chăn nuôi cập nhật diễn biến thời tiết, chủ động dự trữ thức ăn và chú trọng đưa các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi.
Theo ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, các địa phương tăng cường công tác phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại định kỳ, phun các loại thuốc sát trùng chuồng trại, các khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Người dân xã Thượng Hóa tăng thêm thức ăn khô cho đàn trâu để tăng sức kháng chịu giá lạnh.
“Phải khẩn trương thực hiện ngay việc tẩy giun sán và tiêm phòng đầy đủ cho trâu, bò theo hướng dẫn của cơ quan, cán bộ thú y địa phương. Qua đó mới hạn chế được dịch bệnh phát sinh sau mỗi đợt rét đậm, rét hại kéo dài”- ông Hiệp nhấn mạnh thêm.